Vi sao Trung Quốc chậm đưa tin binh sĩ Triều Tiên sát hại 4 công dân?
Want China Times dẫn nguồn tin từ báo chí Hàn Quốc hôm 5/1 cho hay một binh sĩ Triều Tiên đào ngũ đã bỏ trốn sang khu vực có phần đông người dân tộc tiểu số nói tiếng Triều Tiên tại khu tự trị Yanbian thuộc tỉnh Cát Lâm vào ngày 28/12/2014 và sát hại 4 công dân Trung Quốc.
Theo Yonhap, binh sĩ Triều Tiên đào ngũ đã dùng súng sát hại 4 công dân Trung Quốc và khiến một người khác bị thương tại chính ngôi nhà của họ. Cảnh sát và quân đội Trung Quốc đã bắt được nghi phạm sau cuộc truy lùng và hiện công tác điều tra đang được tiến hành. Còn tờ Dong-A Ilbo cho hay, trước thời điểm gây ra án mạng, binh sĩ Triều Tiên đã tìm cách trộm tiền và thức ăn. Ngoài ra, các nạn nhân tử vong do bị bắn chết hoặc bị đánh cho tới chết.
Binh sĩ Trung Quốc đứng canh trên cây cầu trên sông Đồ Môn, ranh giới biên giới giữa Trung - Triều. |
Tuy nhiên, tới ngày 5/1, thời điểm báo chí Hàn Quốc đưa tin về vụ án "giết người cướp của trên", Bắc Kinh mới có những phản ứng đầu tiên đồng thời yêu cầu Triều Tiên giải trình vấn đề. Bộ Công an Trung Quốc khẳng định họ sẽ sử lý vụ việc theo luật pháp nước mình.
Điều đáng nói là, trước khi vụ việc trên được bên thứ ba là Hàn Quốc thông báo, chính quyền Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan tới vụ án trên. Thời báo Hoàn Cầu nhận định một trong những nguyên nhân khiến thông tin bị chậm trễ thông báo là do mối quan hệ giữa Trung - Triều đang trong giai đoạn "nhạy cảm".
Ngoài ra, tính nghiêm trọng của vấn đề cũng được giảm bớt khi kẻ gây án là một binh sĩ đào ngũ. Điều này sẽ ngăn Bắc Kinh khỏi lối suy nghĩ vụ án là một hành động mang tính thù địch của chính quyền Triều Tiên hoặc một nhân vật đại diện cho người dân Triều Tiên, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Tuy nhiên, những vụ việc liên quan tới các cá nhân là công dân Trung Quốc và người nước ngoài thường dẫn tới tư tưởng bài ngoại và đôi khi là trả thù bạo lực đối với công dân các nước bị nghi ngờ liên quan.
Vụ giết người cướp của cũng đã cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý khu vực biên giới dài 1.400 km giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng đáng lẽ, chính quyền Triều Tiên nên ngay lập tức thông báo về vụ việc sau khi nhận được báo cáo, để cảnh báo cho người dân Trung Quốc sinh sống dọc khu vực biên giới Trung – Triều.
Binh lính Triều Tiên thường phải nhập ngũ trong vòng 10 năm. |
Theo Thời báo Hoàn Cầu, mối quan hệ Trung - Triều tuân theo lối ngoại giao thông thường. Do đó, nếu Bình Nhưỡng không thể tuân theo quy luật này, thì Trung Quốc cần phải "hướng" cho Triều Tiên thích nghi với nó. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không cần phải quá nhạy cảm về những sự vụ liên quan tới Triều Tiên. Dù Bắc Kinh xem Bình Nhưỡng là một trường hợp ngoại lệ, "quan hệ Trung - Triều cũng không mong manh tới vậy".
Song lâu nay, những vụ việc ảnh hưởng tới mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và nước ngoài thường được báo chí nước ngoài đăng tải đầu tiên. Thời báo Hoàn Cầu nhận định báo chí Trung Quốc nên thay đổi tư tưởng. Họ không nên đưa ra một quy chuẩn nhất định và kiểm soát chặt chẽ khi tiếp cận những thông tin như sự việc trên. Ngoài ra, chính quyền các cấp tại Trung Quốc cũng cần tăng cường khả năng kiểm soát sao cho đạt hiệu quả.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định giới truyền thông tại nhiều nước như Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên đưa tin binh sĩ Triều Tiên sát hại 4 công dân Trung Quốc, thường được đánh giá là nguồn tin đáng tin cậy. Do đó, nếu chính phủ Trung Quốc không thể gây dựng được lòng tin thì mọi nỗ lực nâng hình ảnh quốc gia ở nước ngoài và sự quan tâm của dư luận sẽ bị rơi xuống đáy.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.