Vì sao Tây Ban Nha rao bán cả ngôi làng?
Mới đây, ngôi làng Salto de Castro (khu tự trị Castile và Leon) ở miền tây Tây Ban Nha được biết tới là nơi không có người sinh sống và đã bị bỏ hoang hơn 30 năm.
Chính quyền địa phương cho hay, các chủ sở hữu hiện tại của ngôi làng muốn biến nó thành một địa điểm du lịch, nhưng do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các kế hoạch này đã bị cản trở và hiện họ quyết định bán tài sản với mức giá vô cùng hấp dẫn chỉ khoảng 240 nghìn euro.
Theo báo chí địa phương, ở Madrid, số tiền này chỉ có thể mua được một căn nhà. Tuy nhiên tại Salto de Castro, người mua được mời mua 44 tòa nhà cùng một lúc - bao gồm quán bar, nhà thờ và trường học.
Được biết, trong ngôi làng còn có một khách sạn với tiệm giặt là và nhà ăn, doanh trại cũ của Cảnh vệ dân sự, một bể bơi, sân chơi thể thao. Tuy nhiên, chúng không được sử dụng kể từ năm 1989.
Theo các nhà chức trách Tây Ban Nha, các chủ sở hữu mới của ngôi làng có thể tin tưởng vào việc tiếp cận các khoản trợ cấp từ cả chính quyền địa phương và chính quyền trung ương.
Bản thân ngôi làng Salto de Castro nằm gần biên giới với Bồ Đào Nha, có thể là một trong những điểm đến hấp dẫn.
Ngoài ra, một lợi thế khác là vị trí của ngôi làng trong Công viên Tự nhiên Arribes del Duero, được bảo vệ bởi nhà nước - nhiều người đến đây để tạm rời xa cuộc sống thành thị.
Đồng thời, các chuyên gia lưu ý rằng, ở khu vực Castile và Leon gặp vấn đề suy giảm dân số cực kỳ nghiêm trọng.
Trước đó, theo một số thông kê, tại Tây Ban Nhà, có khoảng 1.500 ngôi làng đang bị bỏ hoang và hiện chúng đang được rao bán với giá rất rẻ chỉ trên dưới 100.000 USD. Tận dụng mức giá hời, nhiều người nước ngoài đã kéo đến Tây Ban Nha để mua lại các ngôi làng này. Điều đáng nói là con số này vẫn tiếp tục tăng vì người dân được các hội đồng địa phương yêu cầu phải rao bán chúng trong trường hợp không có khả năng duy trì.
Hạ Thảo (lược dịch)