Vì sao Nhà khách UBND TP Đà Nẵng “biến” thành… khách sạn?
Ngày 14/5/2010, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 3611/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà khách UBND TP Đà Nẵng (số 14 Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) nhằm đáp ứng yêu cầu nghỉ ngơi, hội nghị, tiếp xúc và trao đổi công việc cho khách trong nước và khách quốc tế đến làm việc với TP Đà Nẵng.
Nhà khách UBND TP Đà Nẵng... (Ảnh: HC) |
Dự án do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án xây dựng TP Đà Nẵng điều hành; Công ty Kiến trúc kỹ thuật Mooyoung (Hàn Quốc) và Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng làm tư vấn thiết kế, có quy mô 16 tầng (trong đó có 1 tầng hầm), cao 68,6m, diện tích đất xây dựng 2.498 m2, tổng diện tích sàn khoảng 16.990m2 với tổng mức đầu tư trên 236 tỉ đồng.
Được khởi công từ tháng 10/2010, Nhà khách UBND TP Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2011, sau đó được lùi lại dịp 2/9/2012. Tuy nhiên cho đến nay công trình mới đang hoàn tất các hạng mục cuối cùng của hệ thống thiết bị, nội thất để chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Căn cứ quy định tại Thông tư 02/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 28/01/2011 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ; ngày 12/8/2014, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 5382/QĐ-UBND thành lập thì Nhà khách UBND TP Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng UBND TP.
Theo đó, Nhà khách thực hiện chức năng tiếp đón, phục vụ ăn ở, chiêu đãi, hội nghị các đoàn khách đến thăm và làm việc của UBND TP, Văn phòng UBND TP, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Ngoài ra, Nhà khách được tận dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật, lao động hiện có để tổ chức các hoạt động dịch vụ có thu đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính được giao.
Mới đây nhất, căn cứ Quyết định 8414/QĐ-UBND ngày 10/11/2015 của UBND TP Đà Nẵng phê duyệt kết quả thẩm định Đề án vị trí việc làm của Nhà khách UBND TP Đà Nẵng trực thuộc Văn phòng UBND TP, Nhà khách UBND TP Đà Nẵng đã thông báo rộng rãi kế hoạch tuyển dụng hàng chục nhân viên kế toán, lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, bếp, kỹ thuật, bảo vệ an ninh làm việc tại nhà khách.
được lấy tên giao dịch là "Khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng" (Ảnh: HC) |
Như Infonet từng phản ánh, để xây dựng Nhà khách nêu trên, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định di dời Phòng Cảnh sát PCCC (nay là Cảnh sát PCCC Đà Nẵng) và bãi đỗ xe cứu hỏa đến địa điểm mới. Một phần đất của Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng ở bên cạnh cũng bị thu hồi để mở lối vào phụ, tạo khoảng cây xanh cách ly và xây dựng các công trình phụ trợ (như sân thể thao...) phục vụ nhà khách. Bản thân Nhà Thiếu nhi này cũng sắp chuyển đến địa điểm mới, nhường phần đất còn lại cho các công trình phục vụ Trung tâm Hành chính và Nhà khách TP.
Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là khi công trình này được gắn tên để chuẩn bị đưa vào hoạt động thì không thấy tên “Nhà khách UBND TP Đà Nẵng” mà chỉ thấy tên “Khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng”.
Trao đổi với Infonet về vấn đề này, ông Mai Tài, Phó Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, công trình này vẫn giữ đúng công năng là nhà khách của UBND TP Đà Nẵng nhưng lấy tên giao dịch là “khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng”.
“Trong quý 1, nhà khách sẽ được chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, vừa phục vụ nhiệm vụ của một nhà khách, vừa tổ chức hoạt động kinh doanh nên lấy tên “khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng” để thuận tiện cho việc giao dịch, thu hút khách. Tên giao dịch này cũng đã được ghi rõ trong quyết định ban đầu của UBND TP Đà Nẵng về việc thành lập nhà khách. Chúng tôi vào nghiên cứu thì thấy một số nhà khách của UBND TP.HCM cũng lấy tên giao dịch là khách sạn, như khách sạn Hương Sen. Cái này được quy định cho phép!” – ông Mai Tài nói.
Ông cũng cho biết, Nhà khách UBND TP Đà Nẵng (tức khách sạn Sông Hàn Đà Nẵng) được xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn 3 sao cộng (có hồ bơi). Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm, đơn vị sẽ làm hồ sơ thủ tục để các cơ quan chức năng đến thẩm định, xếp hạng sao. Dự kiến sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Nhà khách UBND TP Đà Nẵng sẽ được chính thức đưa vào hoạt động.