Vệt sáng xanh bí ẩn giữa đêm trên bầu trời Anh gây sốt
Người dân địa phương ở nhiều khu vực nước Anh, Scotland và Ireland đã báo cáo về việc nhìn thấy hiện tượng lạ trên bầu trời đêm. Theo Hiệp hội Báo chí, đã có hơn 200 báo cáo về 'quả cầu lửa' kỳ lạ băng qua bầu trời đêm.
Một số người nhanh chóng ghi lại được cảnh tượng hiếm thấy và chia sẻ lên mạng xã hội. Nhân chứng kể lại rằng vật thể bay rất thấp nên họ có thể nghe rõ tiếng động và nhìn ánh sáng rực rỡ trên bầu trời.
Barra Best, người dẫn chương trình thời tiết của đài BBC đã chia sẻ trên trang Twitter cá nhân cho thấy quả cầu lửa phát sáng rực rỡ trên bầu trời đêm với cái đuôi dài phía sau.
Quả cầu lửa bay qua Paisley, Scotland khiến nhiều người dân dịa phương nghi rằng đó là pháo hoa hay một ngôi sao băng nào đó.
"Không thể tin được là tôi đã nhìn thấy quả cầu lửa bằng mắt thường. Quả cầu phát sáng đi qua Paisley lúc 10 giờ tối", "Đây là lần đầu tiên tôi thấy quả cầu lửa", "Tôi đang đi ngoài đường thì thấy bầu trời phát sáng. Mọi việc diễn ra rất nhanh"... cư dân mạng bình luận.
Một cuộc điều tra đang diễn ra để xác định xem vật thể là sao băng hay mảnh vụn không gian. Danny Nell, 21 tuổi, đang dắt chó đi dạo ở Johnstone, phía tây Paisley và Glasgow thì nhìn thấy quả cầu lửa trên bầu trời.
Danny Nell nói: "Tôi đang dắt chó đi dạo lúc 10 giờ tối thì nhìn thấy chấm sáng lạ. Sau đó, tôi nhìn ánh sáng đèn flash rõ trên bầu trời và rút điện thoại ra ghi lại. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một trận pháo hoa nhưng sau thấy rất lạ và nhanh chóng nhận ra sự bất thường".
Theo mạng lưới sao băng ở Anh, quả cầu lửa có độ sáng hơn cả sao Kim, có nhiều tốc độ và màu sắc khác nhau. Thiên thạch rơi, quả cầu lửa xảy ra ngẫu nhiên quanh năm và đôi khi chúng ta sẽ nghe thấy tiếng nổ và ánh sáng rực rỡ trên bầu trời.
Hồi tháng 6/2022, một quả cầu lửa di chuyển trên bầu trời phía tây nam nước Anh. Nhiều người dân địa phương ở các một số khu vực như South Wales, Hertfordshire và West Sussex trông thấy rất rõ hiện tượng.
Vệt sáng màu xanh chứng tỏ bên trong có chứa hàm lượng magie cao, xuất hiện ở độ cao khoảng 3.000 mét so với mặt đất, có vận tốc 6,9 km/s. Theo tính toán, quả cầu lửa có thể rơi xuống mặt đất ở vị trí nào đó phía nam thị trấn Shrewsbury.
Hoàng Dung (lược dịch)