Về vùng đất “Tây Tiến” gặp những người gieo chữ trên đỉnh Sài Khao
Có ai còn nhớ những địa danh hùng vĩ trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng? Đường đi thật không dễ dàng nhưng chúng tôi đã trực tiếp lên tới đỉnh Sài Khao để gặp những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục.
Bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa gần 300km. Nơi đây đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn về điện, nước, sóng điện thoại... nhưng các thầy cô giáo cắm bản vẫn luôn cố gắng từng ngày để đưa những trẻ em người Mông đến lớp.
Điểm trường Sài Khao nằm trên đỉnh Sài Khao. |
Tại bản Sài Khao có 2 điểm trường mầm non lẻ thuộc Trường mầm non Mường Lý và điểm trường Tiểu học thuộc Trường tiểu học Tây Tiến (xã Mường Lý, huyện Mường Lát).
Thầy Hơ Pó Sung (SN 1994) là người dân tộc Mông đang giảng dạy tại điểm lẻ tiểu học cho biết, năm 2018 sau khi ra trường anh lên điểm lẻ Sài Khao công tác. Hiểu được khó khăn, vất vả của người dân tộc mình đã trải qua nên anh càng quyết tâm và cố gắng hơn vì học trò.
Thầy Hơ Pó Sung là giáo viên người Mông đạt giáo viên dạy giỏi môn Toán cấp tỉnh. |
“Học sinh và phụ huynh nơi đây chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ (tiếng Mông-PV), tôi là người Mông thì việc giao tiếp dễ dàng hơn còn những giáo viên ở nơi khác đến thì điều đó thực sự khó khăn. Lên đây cắm bản chúng tôi dành tất cả tâm huyết vì học sinh thân yêu và xem các em như chính là những đứa con đẻ của mình”, thầy Sung tâm sự.
Những học sinh nơi đây khi đến lớp học chỉ nói tiếng Mông. |
Theo chia sẻ của các thầy giáo tại điểm trường tiểu học, trước đây những lớp học, nhà ở giáo viên đều là tranh tre, nứa lá, đường từ trung tâm xã đến điểm trường bằng đất trơn trượt nên khi lên trường thì phải gửi xe giữa đường rồi vác đồ đi bộ lên.
Năm 2018, có một tổ chức thiện nguyện kêu gọi đầu tư, hỗ trợ xây dựng điểm trường Tiểu học Sài Khao 3 phòng học kiên cố thay thế các lớp học tranh tre. Nhà công vụ cho giáo viên cũng được xây dựng mới từ năm 2019.
Giáo viên cắm bản dành tình cảm đặc biệt cho học sinh. |
Cô giáo mầm non Lương Thúy Diệp có nhà cách điểm trường khoảng 30km tâm sự: “Khi được phân công lên đây giảng dạy em cũng có chút lo lắng vì điểm trường ở xa, đường xá đi lại khó khăn đối với giáo viên nữ như em. Ngoài ra, em cũng vừa lập gia đình, con nhỏ, xa nhà, nhớ con nhiều lúc cũng cảm thấy chạnh lòng”.
Giờ tập thể dục của các em học sinh |
Giờ ra chơi tại điểm trường Sài Khao |
Gia đình, người thân, con cái ở cách xa hàng trăm km và đa số các giáo viên không phải người bản địa, đời sống sinh hoạt tự cung tự cấp gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, sự quyết tâm các thầy cô đã vượt lên tất cả để gieo chữ giữa đại ngàn.
Cô giáo mầm non Bùi Thị Quyên (quê ở Bá Thước, cách điểm trường 150 km) chia sẻ: “Năm 2014 tôi lên Mường Lý công tác và đã luân chuyển ở nhiều điểm lẻ khác nhau nhưng đây là điểm trường khó khăn nhất của xã với 100% là học sinh người Mông. Chúng tôi rất khó giao tiếp vì các em chỉ nói tiếng bản địa không hiểu giáo viên nói gì cả.
Xa gia đình, thương con cái còn nhỏ đã thiếu đi sự chăm sóc của mẹ nhưng vì lòng yêu nghề, thương trẻ nên tôi đã cố gắng vượt qua tất cả để ở lại với các em và bà con nơi đây”.
Giáo viên xem những học trò nơi đây như chính những đứa con đẻ của chính mình. |
Còn thầy Vi Văn Phúc (quê ở Quan Sơn nhưng đã lập gia đình trên Mường Lát, nhà cách điểm trường 70km) cũng chia sẻ: “Ở đây chưa có điện lưới nên mỗi lần vào mùa đông thời tiết xấu, sương mù bao phủ thì những lớp học tối như ban đêm không thấy gì cả, điện năng lượng không đủ thắp sáng lớp cho các em học bài.
Bất đồng ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất đối với những giáo viên người dân tộc khác như chúng tôi, nhưng với sự tin tưởng, ủng hộ của dân bản dành cho các thầy cô, bằng tất cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của người thầy đối với học trò chúng tôi cũng đã vượt lên những khó khăn để tiếp tục công việc giảng dạy của mình”.
Lên đây giảng dạy đa số giáo viên đều phải ở lại bán trú, cuối tuần với về nhà một lần, cũng có khi cả tháng trời với về thăm gia đình. Ở đây sóng điện thoại chưa có nên nhiều khi có công việc gia đình thì nhiều thầy cô cũng bỏ lỡ, muốn gọi điện về nhà các thầy cô phải đi cách xa điểm trường để dò sóng.
Tại điểm trường Sài Khao bậc tiểu học có 5 khối với 85 học sinh, bậc mầm non có 52 học sinh. Các lớp học đều trong tình cảnh thiếu thốn dụng cụ học tập nhưng tràn ngập tình cảm yêu thương thầy trò.
Mùng 3 Tết thầy: Xúc động hành trình gieo chữ của cô giáo người Mông
Phải trèo đèo, lội suối, sống trên bản làng xa xôi cách nhà 70km song cô giáo Cứ Thị Pàng Dinh (Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn kiên trì bám trường, bám lớp vì sự nghiệp “trồng người”, đem con chữ đến với con em đồng bào dân tộc.
Trần Nghị