Về tay chủ mới, Sữa Quốc tế và Mộc Châu hiện giờ ra sao?
Đây đều là hai công ty sở hữu cho mình thương hiệu sữa có chất riêng, Mộc Châu và Ba Vì đều là những vùng địa lý nổi tiếng, thích hợp chăn nuôi bò và chế biến sữa.
Quý 3 và 9 tháng đầu năm nay chứng kiến kết quả kinh doanh ấn tượng của các doanh nghiệp ngành sữa. Bấp chấp những tác động của đại dịch, "ông lớn" Vinamilk đưa ra ước tính doanh thu quý 3 tăng 9%, lợi nhuận tăng 16%. Đây là con số hết sức ấn tượng với một doanh nghiệp quy mô đã chiếm phần lớn thị phần nội địa.
Nhưng có hai cái tên trong ngành còn gây chú ý hơn, nhất là khi tin vui về kết quả kinh doanh đến ngay sau hoặc trong quá trình đổi chủ. Chúng tôi đề cập đến CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) và CTCP Sữa Quốc tế (IDP). Đây thực tế đều là hai công ty sở hữu thương hiệu sữa có chất riêng, gắn với vùng địa lý nổi tiếng của Việt Nam (Mộc Châu và Ba Vì).
Mộc Châu Milk đứng trên vai gã khổng lồ
Thương vụ thâu tóm GTNFoods (công ty mẹ của Mộc Châu Milk) của Vinamilk hoàn thành cuối năm 2019. Ban lãnh đạo Vinamilk, đứng đầu là bà Mai Kiều Liên nhanh chóng thực hiện các biện pháp nhận chuyển giao và cải tổ. Việc biểu tượng của Mộc Châu Milk, cựu CEO Trần Công Chiến ra đi không còn nắm chức vụ gì tại công ty cho thấy ý định lột xác hoàn toàn khi về cùng một nhà với Vinamilk.
Hiệu quả của ban điều hành mới đến với tốc độ đáng kinh ngạc ngay trong năm đầu tiên. Trong quý gần nhất, doanh thu Mộc Châu Milk tăng 14% đạt 775 tỷ đồng; lợi nhuận ròng 102 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng đột biến, từ 19% lên 35%. Rõ ràng, điều này thể hiện sức mạnh của Vinamilk trong việc khai thác nội lực của công ty con. Biên lãi gộp của Vinamilk thông thường dao động từ 45% - 50%, thuộc "hàng khủng" trong ngành đồ uống.
Doanh thu tăng thêm của Mộc Châu Milk có thể đến từ hệ thống phân phối rộng khắp của Vinamilk trên toàn quốc, nhất là việc tiến về khu vực phía Nam. Đây là điều mà ban lãnh đạo Mộc Châu Milk nhiệm kỳ trước trăn trở giải quyết, khi mà bên cạnh vấn đề logistics, đối thủ lớn nhất khi đó Vinamilk sẵn sàng "bóp nát" những tay chơi mới.
Ngoài ra, trong thời gian sắp tới, Mộc Châu Milk và Vinamilk có thể kỳ vọng trở thành cặp đôi hoàn hảo cho kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đất nước hơn 1,4 tỷ dân là thị trường mơ ước của các công ty sữa trên toàn thế giới. Mộc Châu Milk có những lợi thế không thể chối cãi là chất lượng sữa thuộc top đầu Việt Nam, cùng vị trí địa lý tương đối thuận lợi.
Sau 9 tháng, Mộc Châu Milk lãi ròng 209 tỷ đồng, tăng 69%, vượt xa kỳ vọng ban đầu của giới đầu tư.
Sau cùng, Mộc Châu Milk có những thế mạnh để ban lãnh đạo Vinamilk có một tầm nhìn dài hạn. Trước mắt công ty có kế hoạch tăng đàn bò và nâng cấp nhà máy sữa, trong tương lai dự kiến đầu tư nhà máy mới nhằm tương thích với quy mô nguồn nguyên liệu.
Cuộc lột xác ngoạn mục của IDP trước khi về tay chủ mới
CTCP Sữa Quốc tế (IDP) ghi nhận doanh thu thuần trong quý 3 gần 1.135 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp của IDP tương đối ấn tượng, đạt gần 42%. Việc mở rộng mạnh mẽ giúp lợi nhuận ròng công ty này đạt 159 tỷ đồng trong quý, gấp hơn 4 lần.
Doanh thu 9 tháng đạt gần 2.830 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 309 tỷ đồng, tốt nhất trong nhiều năm. Lợi nhuận này giúp IDP thoát khỏi cảnh âm vốn chủ, những lỗ lũy kế tính đến hết kỳ vẫn ở mức 270 tỷ đồng.
Nếu ai quan sát IDP từ lâu sẽ có thể thấy rằng công ty này đã lột xác ngoạn mục trong gần hai năm trở lại đây. IDP sở hữu hai thương hiệu sữa là Ba Vì và Love’in Farm.
Điều này diễn ra trong bối cảnh công ty này chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao cổ đông sở hữu. Đầu tháng 8 vừa qua, CTCP Bluepoint (một doanh nghiệp ít tên tuổi) thông báo đã mua thành công hơn 80% cổ phần IDP; bên cạnh đó CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua vào 15%.
Phần lớn cổ phần IDP trước đó được sở hữu bởi các tổ chức liên quan đến VinaCapital (hơn 65%), và hai cá nhân (nắm hơn 23%).
Tại ĐHĐCĐ bất thường IDP tổ chức trước đó, cổ đông công ty này đã chấp thuận để Bluepoint có thể nâng sở hữu lên tới 90%.
Tuy vậy, trong hơn một tháng gần đây tại IDP xuất hiện thêm một cổ đông lớn khác, CTCP Lothamilk của TGĐ Hồ Sỹ Tuấn Phát mua tăng sở hữu lên 6,79%. Ông Phát đang đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT tại IDP.
Nhiều dấu hiệu cho thấy có thể một phần Lothamilk mua vào đến từ việc Bluepoint bán ra. Trong giai đoạn Bluepoint giảm tỷ lệ sở hữu xuống 76,31% thông qua việc bán 2,4 triệu cổ phiếu IDP, đây cũng chính là lúc Lothamilk mua vào lượng tương tự.
Có thể thấy rằng, sự xuất hiện của các cổ đông mới dường như tạo động lực không nhỏ khiến cả Mộc Châu Milk và IDP báo về kết quả kinh doanh ấn tượng. Trong năm nay, quy mô doanh thu của IDP đã vượt Mộc Châu Milk, nhưng về cơ bản đây chính là hai đối thủ trực tiếp đối đầu nhau trên thị trường. Kể từ đầu năm, cả Mộc Châu Milk và IDP đều không tiếc tiền chi cho hoạt động xúc tiến bán hàng, lần lượt 445 tỷ đồng (tăng 92%) và 793 tỷ đồng (tăng 142%).
Dẫu biết rằng, đứng sau Mộc Châu Milk hiện đang là Vinamilk với vị thế thống lĩnh; còn phía IDP hiện vẫn đang đồn đoán việc ông chủ thực sự đứng sau Bluepoint là ai, liệu có phải một cái tên tầm cỡ?
Theo cafef.vn