“Vàng trắng” trên biển Gò Công
Ảnh minh họa |
Trong tình trạng khan hiếm nghêu, sò giống trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, khu vực có sò, nghêu sinh sản ở vùng biển Gò Công đã được ví là "mỏ vàng trắng" của địa phương trong việc phát triển tiềm năng nuôi trồng hải sản.
Chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) thủy sản Phú Tân (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) đúng vào lúc Ban chủ nhiệm HTX đang đi khảo sát diện tích bãi bồi đang quản lý để xác định tình hình sò huyết giống sinh sản. Anh Trần Ngọc Chí (Hai Trí), Chủ nhiệm HTX, rủ tôi cùng đi khảo sát tại khu vực doi nam, nơi có mật độ sò huyết giống phát triển mạnh.
Hiện HTX đang quản lý 500 ha đất bãi bồi ở khu vực cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) với 1.050 xã viên là người dân ở trong vùng tham gia.
Các cồn Ngang, cồn ông Mão, cồn ông Liễu là các bãi bồi dọc theo bờ biển được tạo thành bởi dòng nước từ các cửa sông lớn cửa Đại, cửa Tiểu và Soài Rạp đổ ra biển Đông theo chế độ bán nhật triều là môi trường lý tưởng, thuận lợi để con nghêu, sò huyết quần cư phát triển.
Biển vào buổi sáng hơi lặng với những đợt sóng nhỏ nhấp nhô, nhè nhẹ vỗ vào hàng bần đang vào mùa trổ bông. Chiếc ghe nhỏ của HTX chở chúng tôi vượt qua từng đợt sóng tiến ra khu vực 300 ha bãi sò giống ở doi nam (doi bắc là 200 ha cũng thuộc cồn Ngang).
Chiếc ghe xé nước chạy đến đâu, những đàn cá đối bay (mình giẹp), cá cơm... ở phía trước thấy động, nhảy sôi lên trên mặt nước, phô vảy sáng lấp lánh. Chỉ cho chúng tôi những chiếc ghe đang nằm rải rác trong khu vực bãi quản lý, anh Hai Trí cho biết đó là những chiếc ghe bảo vệ của HTX đang trực nhằm kịp thời phát hiện, xua đuổi những đối tượng vào cào trộm sò giống của HTX.
Vì khu vực quy hoạch vùng sinh nghêu, sò huyết giống của HTX nằm xa đất liền và tình trạng cào trộm nghêu, sò huyết con đang diễn biến phức tạp nên Đội Bảo vệ của HTX phải trực, kiểm tra 24/24 giờ. Lực lượng bảo vệ của HTX có 20 người cùng phương tiện gồm 3 ghe, 1 vỏ lãi, 1 chiếc ca nô chia ra 2 tổ trực ở các chốt luân phiên từ 4 - 5 người. Vậy mà vẫn còn xảy ra những trường hợp ghe trộm thấy lực lượng ít nên vẫn cứ làm càn, thậm chí còn hăm dọa tấn công.
Từ đầu mùa sò huyết đẻ năm nay, đã có không ít trường hợp đối tượng cào trộm ngang nhiên xông vào bãi sò giống của HTX bất chấp sự giải thích, ngăn cản của lực lượng bảo vệ. Sau vụ "nghêu tặc" tấn công vào các sân nghêu vào năm 2004, 2005, 2006 thì đến nay, nạn cào trộm nghêu, sò giống vẫn còn lén lút tái diễn.
Do vậy, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong khu vực sò giống, HTX cũng đã phối hợp và đề nghị Đồn Biên phòng Phú Tân phân công 1 tàu Biên phòng cùng tổ công tác ra ứng trực, phòng ngừa những trường hợp các đối tượng cào sò giống trộm hung hãn, tấn công lực lượng bảo vệ.
Khi vào khu vực xác định có sò huyết giống, anh lái ghe liền hạ cào để các thành viên của Ban Chủ nhiệm HTX lấy mẫu kiểm tra. Anh Hai Trí lấy một nhúm cát bùn vừa được cào lên bỏ vào dĩa, dùng ngón tay trải đều ra rồi quan sát bằng mắt thường. Những hạt nhỏ xíu như đầu kim mà có màu đỏ là con sò huyết con, còn màu trắng là nghêu con hoặc hến con...
Qua vài lần kiểm tra, tôi thấy các anh, các chú rất hồ hởi vì bên cạnh lượng sò huyết con đang lớn dần còn có một lượng trứng sò huyết đang chuẩn bị nở. Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, nguồn giống tự nhiên sinh sản tại khu vực bãi bồi ở biển Gò Công chủ yếu là nghêu cám và sò giống, mật độ trung bình 15 - 20 con/dm2 (có nơi 100 - 150 con/dm2). Mùa đẻ của sò, nghêu là quanh năm, tập trung vào tháng 5, 6 âm lịch. Mùa đẻ phụ vào tháng 11 - 12. 2 khu vực tập trung nghêu, sò huyết sinh sản là khu vực cồn ông Mão, cồn ông Liễu (huyện Gò Công Đông) và cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông).
Được biết, sau khi được ngành chức năng chấp thuận cho khai thác và sự thống nhất của xã viên, Ban Chủ nhiệm HTX đã tiến hành khai thác sò giống và bán đấu giá công khai.
Quan điểm của Ban Chủ nhiệm cũng như hầu hết xã viên là HTX trực tiếp khai thác rồi bán đấu giá công khai chứ không "bán bãi". Vì khi khai thác theo kiểu "bán bãi" (ra số tiền cụ thể cho một diện tích và quy định thời gian cào cụ thể) sẽ dẫn đến nguy cơ bị "bể sân" - thương lái có thể lợi dụng việc thỏa thuận này sẽ ào ạt kéo theo nhiều phương tiện vào khai thác, thậm chí có thể lấn sang những khu vực lân cận.
Ngoài bất cập trong việc khó quản lý khi thương lái cho phương tiện vào khai thác còn có thể dẫn đến hiện tượng cào bừa bãi, như thế sẽ làm sò, nghêu giống chết nhiều, đồng thời cũng trôi dạt đi nơi khác. Riêng lượng nghêu giống cũng có nhưng số lượng ít nên có thể không khai thác mà để thu hoạch bán nghêu thịt.
Nguồn sò huyết, nghêu giống sinh sản tại các cồn bãi trên biển Gò Công là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương và được ví von như "vàng trắng". Theo các thương lái mua sò giống, sò huyết Gò Công được đánh giá là giống tốt nhất trong toàn quốc vì tỷ lệ sống cao (80%) cũng như sò thịt nổi tiếng về chất lượng thịt, hình dáng đẹp... Song, để có lượng sò giống cũng như sò thịt dồi dào, cái khó là làm sao có được môi trường sinh thái trong lành để chúng quần cư sinh sản.
Điều này đòi hỏi ngành Thủy sản cũng như chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp tích cực hơn trong công tác quản lý, bảo tồn nguồn lợi thủy sản địa phương được bền vững; đồng thời hỗ trợ người dân vùng biển cùng phát huy sức mạnh của quan hệ sản xuất tập thể, khai thác ngày càng tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.