Vàng mất phương hướng, giới đầu tư đổi mục tiêu
Giá vàng trên thị trường thế giới hôm nay (7/12) tiếp tục giảm trong bối cảnh đồng USD lên giá, dòng tiền trên thị trường dồn vào cổ phiếu quốc...
Khoảng 6h ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.779 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với mức giá mở cửa hôm trước là 1.784 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.779 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 6,1% (116 USD/ounce) so với đầu năm 2021.
Nhu cầu đầu tư tài sản rủi ro trên toàn cầu giảm sâu sau khi biến chủng Omicron lan sang nhiều quốc gia. Mối quan tâm của nhà đầu tư đối với kim loại quý sụt giảm. Nhiều người đã giảm vị thế mua do giá vàng không giữ mức trên 1.800 USD/ounce.
Nhà phân tích của hãng kinh doanh vàng MKS Pamp Group (Thụy Sĩ) Nicky Shiels cho biết, thị trường đã chứng kiến 5 triệu ounce vàng bị bán ra trong hai tuần qua.
Giá vàng sẽ biến động như nào trong thời gian tới?
Nhiều dự báo cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đẩy nhanh tiến độ thắt chặt tiền tệ. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tiền mặt cung ứng ra thị trường sẽ giảm. Vàng không thu hút được nhà đầu tư do lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, lãi suất cơ bản có thể tăng vào giữa năm 2022, lúc đó, USD sẽ tăng giá tạo sức ép giá vàng đi xuống.
Tuy giá vàng thế giới đi xuống nhưng do sức mua trong nước tăng nên giá vàng SJC tại Việt Nam ngày 6/12 tăng 250.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 61,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quy đổi 12,5 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến vàng trong đắt hơn nhiều so với giá thế giới, do nguồn cung hạn chế, người dân có nhu cầu mua để tích trữ thay vì giao dịch. Nhiều người vẫn thận trọng giữ vàng, không có ý định bán ra do lo ngại lạm phát tăng cao.
Giá vàng miếng sẽ ngày càng đắt hơn thế giới
Việc giá vàng thế giới rơi vào trạng thái tiêu cực trong khi vàng miếng trong nước đang có xu hướng tăng trở lại có thể khiến chênh lệch giữa 2 thị trường này tiếp tục nới rộng.
Theo vtv.vn