Văn hoá Sa Huỳnh và tư duy hướng ra biển lớn
Những công trình khảo cổ vừa được khám phá đã phát lộ dần dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Còn có một Sa Huỳnh hướng về phía biển...
Văn hóa Sa Huỳnh của người Việt
Bước đột phá mở đầu cho công cuộc nghiên cứu khảo cổ học trên vùng đất Quảng Ngãi là việc phát hiện và khai quật văn hoá Sa Huỳnh của các nhà khảo cổ người Pháp tại vùng cực Nam của tỉnh trong những năm đầu thế kỷ 20. Đến những năm thập niên 70, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng mới về một giai đoạn rất sớm của văn hoá Sa Huỳnh làm thay đổi những nhận thức cũ về văn hoá Sa Huỳnh của các nhà khảo cổ học Phương Tây sau khi tiến hành khai quật di tích ở Long Thạnh (Đức Phổ) và Bình Châu (Bình Sơn). Năm 1990, trên đỉnh núi Bàu Lát (Sơn Tịnh), một điểm cao của dãy Long Đầu, đã tìm thấy một trống đồng Đông Sơn. Đây là bằng chứng về mối quan hệ giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh. Hai năm sau, các nhà khảo cổ phát hiện và đo vẽ hoàn chỉnh vòng ngoại của thành Châu Sa, nghiên cứu xác lập hoàn chỉnh hệ thống đường thủy nối liền các sông cổ với hào thành để đi ra biển qua cửa Đại và cửa Sa Kỳ.
Năm 1993, một phát hiện quan trọng mang tính chất khu vực, khi tìm thấy một địa điểm lò nung các tiểu phẩm Phật giáo Chămpa, nằm trên núi Chồi thuộc khu vực thành ngoại Châu Sa. Tiếp sau đó, khai quật tháp Khánh Vân ở Tịnh Thọ, Sơn Tịnh, chúng ta tìm thấy chân móng tháp có trang trí gạch rất đẹp so với các chân đế tháp khác ở miền Trung, có niên đại khoảng thế kỷ 12. Đến năm 1998, qua cuộc đào thám sát tại di chỉ Phú Thọ - Cổ luỹ, đã tìm thấy dấu tích văn hoá vật chất của một tiểu quốc Tiền Chăm cổ nằm trên vùng ngã ba sông về phía bờ Nam của hạ lưu sông Trà Khúc.
Con đường phía biển
Trong số những giá trị văn hóa trong hơn 20 năm qua được khám phá, khai quật phải kể đến những phát hiện hoàn toàn mới về nền văn hóa Sa Huỳnh nhóm khảo cổ Quảng Ngãi tìm thấy tại Xóm Ốc trên đảo Lý Sơn vào năm 1996. Đây là lần đầu tiên ở miền Trung đã phát hiện di tích văn hoá Sa Huỳnh trên đảo gần bờ. Điều này cho thấy người Việt xưa không chỉ có mặt ở đồng bằng, miền núi mà còn có cả một tiến trình dài hướng về phía biển.
Bộ sưu tập di vật văn hoá Sa Huỳnh ở Xóm Ốc được khai quật ở Suối Chình (Lý Sơn) vào năm 1999 đã chứng minh dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh từ lục địa ra đảo gần bờ. Ngoài đặc trưng là đồ sắt, những phát hiện về công cụ xương và vỏ nhuyễn thể phục vụ trong lao động, sinh hoạt, làm đồ trang sức cho thấy loại hình văn hoá Sa Huỳnh trên đảo gần bờ mang đậm sắc thái biển, ở đó con người đã hòa nhập cùng môi trường biển để tồn tại. Nền văn hóa Sa Huỳnh không chỉ tồn tại ở đất liền mà người Việt xưa đã nhìn nhận về tầm quan trọng của biển nên đã vươn ra các đảo quanh bờ, vươn ra biển để khẳng định mình.