Vạch trần những chiêu trò của người chế cân "điêu"
Vạch trần những chiêu trò của người chế cân "điêu"
Nhiều lò “yểm bùa” cho cân
Trong câu chuyện về cân “độ” ở chợ Kim Biên, vào vai những người mới vào nghề buôn hoa quả để tiếp cận, nam thanh niên không ngần ngại tư vấn cho chúng tôi biết nhiều mánh khóe để có thể lựa chọn. Có hai kiểu “độ” cơ bản là mài, thay lò xo mới và gắn “đồ chơi” điện tử vào cho cân. Mỗi kiểu “độ” giá cũng khác nhau. Nếu “độ” theo kiểu thay lò xo thì đơn giản nhất là 20 ngàn/cân, còn nếu độ “ăn” nhiều từ 5 ký trở lên thì phải làm “lắc”, giá là 400 ngàn/cân.
Nhân viên đang hì hục độ cân tại tiệm A.Danh quốc lộ 1A |
Một người đàn ông khoảng 40 tuổi xen ngang nam thanh niên: “Độ lắc là dùng cho các loại cân lớn từ 30 kg trở lên, giá trị sai lệch có thể ăn từ 5 đến 10 ký. Giả dụ, khi anh để chiếc cân đứng yên thì đó là lúc cân đang ở trạng thái đúng và chỉ cần lắc sang phải hoặc trái là cân trở thành sai, cứ như vậy nếu có gì bất trắc thì lắc thêm một lần nữa cân lại trở về giá trị đúng”.
Trong quá trình tìm hiểu các lò cân "độ", chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm những lò nằm trên quốc lộ 1A. Nằm ở vị trí đắc địa gần ngã tư Bình Phước, giáp chợ đầu mối Thủ Đức và các ngả đường đi về các tỉnh Tây Nguyên, Miền Tây Nam Bộ lò “độ” cân A.Danh được dân buôn biết đến như lãnh địa cân gian uy tín bậc nhất khu vực này.
Từ cầu vượt Gò Dưa, lưu thông về cầu vượt Bình Phước, người đi đường sẽ thấy hình ảnh quảng cáo từ lò “độ” này. Khi xe của chúng tôi dừng lại trước cửa tiệm, phía trong dù rất chật hẹp nhưng người đến “độ” đông nườm nượp với đông đủ các lứa tuổi. Dân buôn bán từ nhiều nơi đều đến đây nhờ “thầy độ” phù phép cho cân.
Lò “độ” A.Danh có 3 người chuyên làm các công việc liên quan đến sơn, mài, giũa và gắn “bùa” cho cân. Thấy cả 3 người đang hì hục bên cạnh những chiếc cân, tôi vội ghé bên cạnh một nhân viên và nói: "Làm cho em chiếc cân". Người đàn ông dừng tay: "Sửa như thế nào đây?". Tôi liền trả lời: "Gia đình mãi tận Đồng Tháp, đang là chủ vựa trái cây, thấy anh em cùng làm ăn giới thiệu chỗ anh có làm cân sai phải không?". Thấy tôi nói vậy, nhân viên này ra sức tiếp thị cho tôi nghe rất nhiều chiêu độ.
"Bây giờ có hai cách để anh lựa chọn là: Thay lò xo hoặc gắn chíp điện tử, nếu là dân buôn lớn thì nên gắn “đồ chơi” cho cân vừa ăn được nhiều lại an toàn hơn so với những chiêu kia. Ở chỗ tôi có nhiều người buôn lớn giống anh từ Tây Nguyên, Miền Tây… xuống đây yêu cầu tôi làm như vậy".
“Giá của nó bao nhiêu vậy?” tôi hỏi. Nhân viên hét giá trên trời: “Bao gồm cả cân và đồ chơi là 7 triệu /cân”. Tôi tặc lưỡi chê đắt. Lúc này, nam thanh niên chảnh chọe: “Có 7 triệu mà cũng kêu đắt, nhiều người đến mua như anh đâu có nói nửa lời vì họ biết nó có thể đem lại siêu lợi nhuận. Anh cảm thấy giá như vậy mua được thì mua, không thì thôi”.
Nhiều mánh khóe của dân buôn
Khi những chiếc cân gian được xuất xưởng từ các lò “độ”, nó bỗng trở thành những chiếc cân có “đủ lông, đủ cánh” nhảy múa trên thương trường để “lòe” người tiêu dùng.
Theo dân buôn gian bán lận, hiện nay người tiêu dùng cũng tỉnh táo hơn khi đi chợ và những chiếc cân “độ” khi gặp phải khách khó tính sẽ bị “bóc mẽ” nên phải "cảnh giác cao độ". Chiêu thức mà dân buôn đối phó với khách khó tính là: Sẽ cân thêm một giá trị thừa ra so với số ký mà người tiêu dùng muốn mua.
Để tìm hiểu chiêu “lòe” này, chúng tôi đến khu chợ thuộc làng Đại học Thủ Đức, đây là lãnh địa của hàng rong. Khi chúng tôi yêu cầu một dân buôn xe ba gác bán cho 2 ký chôm chôm, theo kinh nghiệm, tôi thấy số lượng chôm chôm trên bọc ít hơn dự kiến và nói với người bán: "Anh xem 2 ký sao được chút xíu thế này, cân lại giùm em", người bán trái cây lấy thêm một số trái cây bù thêm vào bọc coi như “khuyến mãi” thêm.
Theo những người đi chợ lâu năm, khi mua bất cứ một mặt hàng nào để lên bàn cân chỉ cần nhìn và thấy kim của cân chạy nhanh bất thường, lấy tay ghì vào đĩa cân thấy lực đàn hồi nhỏ thì y như rằng chiếc cân đó đã được “yểm bùa” và phải tìm đến địa chỉ tin cậy nhờ cân thử lại.
Nhiều người dân đã bức xúc vì bị cân điêu "móc túi". Chị Mai Lan, quận 2, vẫn chưa hết bực tức cho biết: “Vài hôm trước nhà có khách đến chơi, tôi ra chợ mua một vài thứ đãi khách. Khi mua đồ mang về nhà thì bị chồng nói ra nói vào là mua thức ăn quá ít sẽ bị khách cho rằng mình không hiếu khách. Nghi ngờ số lượng thức ăn bị thiếu, tôi liền đem ra chỗ cửa hàng uy tín nhờ cân hộ thì y như rằng thiếu đi rất nhiều so với số tiền bỏ ra để mua. Tôi liền chạy ra chợ hỏi cho ra nhẽ thì bị chủ dọa nạt và chửi rất thô tục".
Người tiêu dùng hoang mang bởi những chiếc cân như thế này có đủ độ tin cậy? |
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, tiểu thương “cân gian” sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 ngàn đồng, mức phạt có thể lên tới 4 - 7 triệu đồng.
Quy định đã được đưa ra như thế, nhưng cho đến nay trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều lò “độ”, dân buôn gian bán lận vẫn bất chấp lệnh cấm ngang nhiên móc túi người tiêu dùng theo kiểu trá hình dưới những chiếc cân độ.
MINH KHA