Ứng dụng OTT, 3G, 4G để tăng lượng người dân tộc thiểu số nghe đài
Chia sẻ về hiện trạng phủ sóng phát thanh tiếng dân tộc, Thạc sĩ Vũ Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: Hệ phát thanh tiếng dân tộc hiện được phát sóng bằng 12 thứ tiếng gồm: Thái, Mông, Dao, Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Chăm, C’ho, Xơ Đăng, M’nông, Cơ Tu và Kh’mer. Tổng số có 21 máy phát sóng phát thanh hệ dân tộc với tổng công suất 762kW trên 2 phương thức phát sóng là sóng AM và sóng FM. Các máy phát sóng ngắn cũng được sử dụng nhưng chỉ là phương thức phát bổ trợ.
Việc phủ sóng VOV nói chung và phát thanh tiếng dân tộc thiểu số nói riêng hiện còn nhiều khó khăn. Cụ thể, địa hình Việt Nam có nhiều vùng núi cao, địa hình chia cắt mạnh, không thuận lợi cho việc phủ sóng phát thanh mặt đất đối với cả 2 phương thức phát sóng AM và FM. Do đó, hiện nay vẫn còn một số khu vực ở vùng núi phía Bắc, miền Trung, Nam Trung bộ, Tây Nguyên chưa thu được sóng phát thanh VOV.
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc chủ yếu sống rải rác, phân tán trên các vùng núi cao nên lại càng khó khăn hơn cho việc phủ sóng ở các khu vực này. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc còn khó khăn, không có khả năng mua sắm các máy thu thanh chất lượng cao, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn có nhiều loại máy thu không đảm bảo chất lượng. Các chương trình mục tiêu cấp phát máy thu cho đồng bào trước đây không hợp lý và đã quá lâu, từ trước những năm 2000, nên máy thu đã hỏng từ lâu.
Mặt khác, các chương trình phát thanh tiếng dân tộc được sản xuất và phát sóng theo trình tự thời gian nên đôi khi thời gian phát sóng không phù hợp với thời gian và thói quen nghe đài của đồng bào dân tộc. Một số nơi việc phủ sóng chưa thực sự hợp lý, như tiếng Cơ Tu phát chung với hệ VOV1 trên cùng một máy phát, một tần số tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, trong khi đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở Tây Quảng Nam, giáp biên giới Lào, dẫn đến việc một số lượng lớn thính giả là người Kinh, người nước ngoài sinh sống ở TP. Đà Nẵng và các khu vực phụ cận lại phải nghe tiếng Cơ Tu.
Ngoài ra, hầu hết các trạm phát sóng FM đều được đặt trên núi cao, khí hậu khắc nghiệt, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển và quản lý máy phát, cơ sở hạ tầng và thiết bị xuống cấp nhanh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Để mở rộng vùng phủ sóng và tăng số lượng người dân tộc thiểu số nghe các chương trình phát thanh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh Vũ Hải Quang đưa ra một số giải pháp cụ thể gồm:
Tiếp tục khảo sát, đầu tư mở rộng mạng phủ sóng FM phát sóng chương trình phát thanh dân tộc VOV4 tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số như khu vực vùng núi phía Bắc, phía tây Nghệ An, phía tây Thanh Hóa, miền Trung, các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Một số địa hình đặc biệt khó khăn và phức tạp như Tây Bắc, Tây Nguyên thì kết hợp cả việc phủ sóng AM.
Sắp xếp các khung chương trình phát thanh tiếng dân tộc phù hợp với thời gian, thói quen nghe đài của đồng bào dân tộc. Tách việc phát sóng chương trình phát thanh dân tộc riêng biệt trên các máy phát riêng, theo bộ tần số riêng quy hoạch cho phát thanh dân tộc.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc phát sóng bằng ứng dụng OTT trên nền tảng Internet, đồng thời sản xuất máy thu thanh chuyên dụng có thể thu bằng sóng 3G, 4G để cấp phát cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực không có sóng AM, FM nhưng lại có sóng 3G, 4G…