Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động làng nghề
Báo động tình trạng sức khỏe
Làng nghề Quảng Bố vốn nổi tiếng cả nước với nghề làm các sản phẩm phục vụ nội thất, xây dựng… như ổ điện, phích cắm điện, thanh chống trượt, ốp tường, vòi nước, linh kiện đồng hồ điện, công tơ nước, van xe máy, ổ khóa các loại… Làng có 952 hộ với gần 4.000 khẩu thì có tới 63 hộ đã phát triển thành các công ty lớn, sử dụng hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, là một làng nghề thủ công phát triển “nóng” nên các thói quen lao động vẫn như cũ, chưa có ý thức về an toàn lao động (ATLĐ). Đội ngũ lao động có trình độ của làng nghề rất hạn chế, do các nghề trên địa bàn xã đa số là các nghề đơn giản, có từ lâu đời nên không yêu cầu trình độ cao, thời gian học nghề ngắn...
Để giảm chi phí sản xuất, các cơ sở sản xuất lớn trong làng nghề thường không trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ như quần áo, khẩu trang, kính, mũ, găng tay… Các loại máy móc hiện đại thiếu sự đầu tư, hoặc đa số sử dụng các loại máy móc thiết bị cũ đã qua sử dụng. Mặt khác, các quyền lợi của người lao động (NLĐ) làm việc tại cơ sở sản xuất trong các làng nghề như ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thường cũng bị “quên”. Chủ sử dụng lao động thường đưa ra các lý do như chỉ là cơ sở sản xuất theo mùa vụ và những lao động là người nhà làm việc trong lúc nông nhàn, chỉ cần giao việc bằng miệng và trả lương đầy đủ là xong.
Năm 2011, Trạm Y tế xã Quảng Phú đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động - Môi trường và Giám định y khoa Bắc Ninh lần đầu tiên thực hiện một cuộc “đại kiểm tra” sức khỏe thợ nghề trong xã, trong đó đặc biệt kiểm tra sức khỏe thợ nghề ở Quảng Bố với quy mô lớn hơn 300 lao động được khám và đo thính lực. Kết quả làm nhiều thợ làng “giật mình” vì sức khỏe loại I chỉ chiếm tỷ lệ 17,7%; loại II chiếm tỷ lệ 28,3%, còn lại là loại III, IV, V. 36,7% số lao động bị bệnh tai mũi họng, 34,2% bị bệnh liên quan tới răng và 12,5% bị rối loạn cơ xương khớp do ngồi nhiều. Khám bệnh điếc nghề nghiệp cho 50 NLĐ thì tới 28% có dấu hiệu suy giảm thính lực chủ yếu ở tần số 4.000Hz.
Ngay sau khi khám sức khỏe, nhiều lao động đã có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình. Anh Nguyễn Văn Linh - thợ hàn cho biết, bình thường, thợ làng như anh chỉ có bệnh rất nặng mới đến bệnh viện, thường thì không ai để ý tới BNN nên thường chủ quan không mặc đồ BHLĐ. Sau khi biết bệnh (phổi), anh điều trị bệnh kịp thời và có ý thức đeo găng, đeo khẩu trang, kính mắt khi làm việc.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, bảo vệ an toàn cho lao động làng nghề
Năm 2011, Quảng Bố là một trong những làng nghề trong cả nước tiếp cận với Chương trình “Cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho lao động nông nghiệp, làng nghề và nhân viên y tế”. Tuy nhiên, những làng nghề triển khai được hoạt động như ở Quảng Bố chưa nhiều bởi người làm nghề “ngại” mất thì giờ, ngại phải đầu tư tiền bạc cho việc giảm thiểu ô nhiễm ở quy mô cơ sở và cả làng nghề. Chương trình gồm các nội dung: tư vấn an toàn vệ sinh môi trường lao động; hướng dẫn trạm y tế khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp cho NLĐ làng nghề; tổ chức đánh giá yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động; tổ chức vận động các hộ gia đình thực hiện vệ sinh lao động.
Từ việc tiếp cận chương trình, người dân trong làng nghề Quảng Bố đã biết chăm lo, quan tâm tới sức khỏe của mình, thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ, BNN; có ý thức trong việc bảo vệ môi trường…
Hiện, các dịch vụ y tế làng nghề được tiếp cận từ Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường. Cán bộ 2 cơ quan này sẽ tham gia nghiên cứu đặc trưng nghề nghiệp của lao động nông nghiệp, làng nghề và cơ sở y tế; giám sát môi trường lao động, giám sát sức khỏe NLĐ và các phương pháp cải thiện điều kiện lao động. Tuy nhiên, chương trình sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của thợ làng.
Việc quan tâm, chăm lo tới sức khỏe đã được người dân xã Quảng Bố chú ý. Tuy nhiên, phần lớn các loại máy móc, thiết bị trong các làng nghề đều không có tài liệu kỹ thuật để hướng dẫn vận hành an toàn, hoặc có thì rất sơ sài. Ngoài ra còn có các máy tự chế, tự lắp ráp từ các loại máy móc cũ, chắp vá tạm bợ, nhiều chi tiết hỏng không được thay thế sửa chữa kịp thời. Đáng nói nhất, nhận thức về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của cả chủ cơ sở sản xuất lẫn NLĐ còn rất yếu, phần lớn lao động được đào tạo nghề theo kiểu truyền miệng, cầm tay chỉ việc...
Do đó, muốn giảm thiểu TNLĐ và BNN ở làng nghề Quảng Bố thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ và NSDLĐ, các quy định tối thiểu về ATLĐ và bảo vệ môi trường phải được áp chế thực hiện. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ở làng nghề. Chính quyền địa phương phải sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng về ATLĐ và môi trường để thường xuyên nâng cao sự hiểu biết cho NLĐ về ATVSLĐ và thực hiện đúng quy trình trong sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về ATLĐ và bảo vệ môi trường trong làng nghề.