Từ Trường Sa: Cận cảnh công trường của Trung Quốc trên đá Huy Gơ
Đá Huy Gơ (tên khác: đá Tư Nghĩa) vốn chỉ là một rặng san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa (cùng với Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Ba Đầu). Đá chỉ nổi khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống. Trung Quốc đánh chiếm Huy Gơ từ ngày 28/2/1988.
Cũng giống như Gạc Ma và nhiều bãi cạn khác, Huy Gơ vốn là một bãi đá nửa chìm, nửa nổi tuy nhiên chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc đã tập trung cải tạo, xây dựng rất nhanh. Hiện nay, Huy Gơ đã trở thành một đảo nổi hoàn toàn.
Theo ước tính của phóng viên Infonet, hiện Huy Gơ đã có hình dạng chữ L với diện tích hơn 9ha. Tại đây đã có một luồng dẫn vào cảng tạm thời dài 860m, rộng 160 -340m, sâu từ 12-15m có khả năng nhận các tàu có trọng tải hàng ngàn tấn.
Theo quan sát, các công trình xây dựng trên Huy Gơ có kiến trúc và độ lớn tương tự như trên đá Gạc Ma, với một khối nhà màu trắng, cao từ 5-6 tầng, cách đó là một khối hình trụ có dáng giống như một đài quan sát.
Hiện nay các công trình này vẫn đang tiếp tục được mở rộng. Theo đánh giá, Huy Gơ còn có tốc độ xây dựng nhanh hơn cả Gạc Ma và chỉ trong một thời gian ngắn nữa, hai nơi này sẽ tương đương nhau cả về diện tích đảo cũng như các công trình xây dựng bên trên.
Đá Huy Gơ nhìn từ xa. (Một tàu vận tải Trung Quốc (góc phải) đang đi vào đảo) |
Tiến lại gần |
Các công trình xây dựng trên Huy Gơ khá giống những gì đã có trên Gạc Ma |
Một đại công trường xây dựng vẫn đang hối hả. |
Khi tàu của ta đi ngang qua Huy Gơ, phía Trung Quốc bắn lên trời 3 phát pháo hiệu màu đỏ |
Một tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển này. |