Tư duy mới về phát triển công nghiệp ở Việt Nam
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hợp tác với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp ở Việt Nam”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về các định hướng xây dựng pháp luật liên quan đến phát triển công nghiệp, định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số…
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đã có nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển công nghiệp như: Nghị quyết số 23 ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tư duy về phát triển công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong các nghị quyết của Đảng về tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển vùng...
Cũng theo Viện trưởng CIEM, trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng đề ra những định hướng, chủ trương chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Một nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước. Và yêu cầu đặt ra là cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ để định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam.
Trình bày tham luận “Chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM đã chỉ ra các vấn đề và thách thức chính trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Một số đề xuất đã được đưa ra như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế cho cách mạng Công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Quan tâm đầy đủ đến việc triển khai các chính sách phát triển cách mạng công nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bố trí đủ thời gian, nhân sự, nguồn lực tài chính để thực hiện; Thực hiện cơ chế sandbox cho các lĩnh vực để có đủ cơ sở thực tiễn thay đổi luật, thay đổi chính sách…
Bàn về hoạt động phát triển công nghiệp ở Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến nghị, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng; tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…
Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, công nghiệp hoá Việt Nam nên kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, nên đặt vấn đề xây dựng những lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Nên có công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản, bởi vì đây là lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần đặt vấn đề công nghiệp hoá trong việc phát triển công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số...
Việt Hà