TS Lê Thẩm Dương: Tuyển sinh thất bại vì nguyên tắc quá linh hoạt
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Thay đổi cần từng bước và phải có nguyên lý hiệp thương. |
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài Chính Trường Đại Học Ngân Hàng Tp. Hồ Chí Minh đã có chia sẻ với báo điện tử Infonet về bài học quản trị trong kỳ thi vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thưa ông, mấy ngày qua câu chuyện tuyển sinh vào các trường đại học “nóng” dư luận cả nước. Là thầy giáo có nhiều năm công tác tại lĩnh vực được xem như rất hot với các thí sinh, ý kiến của ông về kỳ tuyển sinh năm nay như thế nào?
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tôi đã theo dõi tình hình mấy ngày nay, người ta nói rất nhiều về chuyện xếp hàng, rút nộp hồ sơ như chơi sàn chứng khoán… nhưng tôi không bàn đến vấn đề này mà tôi chia sẻ ý kiến về quản trị trong tái cơ cấu.
Tái cơ cấu trong tất cả các lĩnh vực, giáo dục chỉ là minh chứng. Thứ nhất, ta phải nói rằng cái gì cũng có hai mặt. Trước tiên, chúng ta phải thấy tư tưởng cải cách, đề án cải cách của Chính phủ là một điều đúng đắn nhưng trong quá trình cải cách có nhiều phương án giải quyết. Mình chọn cách nào để thay đổi. Dựa vào cơ sở vật chất hay kinh nghiệm? Mình đã dựa vào kinh nghiệm. Cuối cùng là không lường hết được, thiếu kinh nghiệm.
Phải nên nhớ một đơn vị muốn thay đổi họ phải mất 10 năm, 100 năm mới có kinh nghiệm nhưng sau sự việc này, mình vẫn ghi nhận có sự đột phá đã, chưa có kinh nghiệm nào mà đã làm được như thế là rất đáng khen. Trong quá trình thực hiện mình mong được điểm 10 nhưng trong điều kiện chưa thể được điểm 10 làm như thế đã là tốt.
Theo ông chưa đạt được điểm 10 mong muốn nhưng làm như thế đã là tốt. Tại sao tốt lại gây bức xúc cho xã hội, làm náo loạn cả xã hội lên như những câu chuyện đã xảy ra mấy ngày nay?
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Như tôi đã nói cái gì cũng có hai mặt và mặt trái là các cháu ở miền núi sẽ làm sao, rồi cha mẹ thí sinh rút nộp hồ sơ như chơi chứng khoán minh chứng cho một điều rất rõ là Việt Nam không tái cấu trúc tất cả thì mình sẽ thua. Chúng ta nên tái (thay đổi, cải cách) doanh nghiệp, tái nợ công, tái thị trường chứng khoán, tái giáo dục. Có 3 nguyên lý của “tái” cả thế giới họ đã đúc kết lại rồi:
Nguyên lý thứ nhất: Không hoảng loạn, thử hỏi ở Việt Nam mình có hoảng loạn không. Tôi thấy không hoảng loạn.
Nguyên lý thứ hai: Nguyên lý tốc độ cái gì đúng làm ngay, chỗ này tôi thấy ở mình hơi lúng túng. Cái cần làm thì không làm.
Nguyên lý thứ ba: Nguyên lý hiệp thương. Theo tôi, mình bị nặng nhất trong các cái tái đều dính đó là nguyên tắc hiệp thương. Nguyên tắc này mình phải bám rất chắc cơ sở đó. Nguyên tắc hiệp thương tôi e có vấn đề. Khi vi phạm nguyên tắc đó cứ sửa sai mãi cũng rất khó. Lẽ ra ngay từ đầu mình phải thấy được các đồng bào dân tộc miền núi của mình ra sao, điều kiện của họ như thế nào thì mình sẽ xử lý các vấn đề cơ học.
Đến khâu thực hiện chúng ta phải biết để thay đổi cái gì đó (giáo dục chỉ là minh chứng) người ta tiến hành từng bước.
Bước 1 chọn vấn đề cần thay đổi. Tôi thấy mình chọn cách thi chung là đúng
Bước 2: Chuẩn bị thay đối người ta dành tới ¾ thời gian thì khâu chuẩn bị của mình quá kém. Tôi chỉ lấy từ gói 30 nghìn tỷ, khâu chuẩn bị quá kém nên không thực hiện được. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khâu chuẩn bị kém nên tiến độ 3 năm dường như dậm chân và cải cách giáo dục cũng thế. Người ta dành ¾ thời gian để chuẩn bị, chuẩn bị chưa đủ người ta sẽ thay đổi theo từng giai đoạn chứ người ta không thay đổi hết. Còn mình chuẩn bị không đủ nhưng lại thay đổi tất nên dẫn đến tình trạng quản trị bị động, gây ra các hậu quả vừa rồi ai cũng thấy. Lỗi này là lỗi ở khâu chuẩn bị. Chính vì thế, các chỉ đạo rất nỗ lực nhưng nằm ở thế bị động.
Bước 3: Khi tiến hành có nguyên tắc của tái, nguyên tắc là tuyệt đối không nên thay đổi mọi vấn đề cùng lúc. Nhưng việc của mình là thay đổi hết nên không ôm hết được.
Kinh nghiệm thay đổi điều gì đó người ta đều phải chuẩn bị với các kẻ thù của sự thay đổi (lực lượng chống lại) nên tôi thấy sự đồng thuận từ đầu đến cuối không hẳn đã có. Người ta tập trung vào hành vi có tính kết quả, người ta không tập trung vào hành vi có yếu tố hành vi.
Suốt quá trình thay đổi vừa qua, tôi thấy mọi phương án chết ở yếu tố nhỏ, không chết ở yếu tố lớn. Nhưng khi người ta nhân lên nó thành cái rất lớn.
Từ cái nhỏ nhất để tái cấu trúc phòng vệ sinh người duy nhất nói đúng là cô quét phòng vệ sinh. Ở giáo dục cũng thế, để tái cấu trúc giáo dục thì chỉ có giáo viên, học sinh và phụ huynh họ nói đúng còn mọi tưởng tượng của nhà quản lý là không đúng và thời gian vừa rồi cũng thế.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương: Tôi không lo ngại chuyện phụ huynh xếp hàng, thí sinh khổ như thế nào. Tôi thực sự lo lắng đó là nguồn nhân lực. Nếu làm như thế này, bao nhiêu người học trái ngành. Lẽ ra cho thí sinh đăng ký ngành thay vì cho đăng ký trường. Hiện nay cái này Singapore đã làm rồi.
Xin cảm ơn ông!