Trước nhiệm vụ đã đề ra, Đảng, Nhà nước đặt ra những giải pháp gì?
Trả lời:
Căn cứ vào sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam" của Ban Tuyên giáo Trung ương, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, xin trả lời bạn như sau:
Các giải pháp chung cần phải thực hiện, trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Ý thức và nhận thức về biển phải được thể hiện rõ và đầy đủ trong chính sách phát triển của các ngành có liên quan và các địa phương có biển.
Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển hợp lý gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường hiện diện dân sự trên các vùng biển, đảo của tổ quốc gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển cùng với ban hành các chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân định cư ổn định trên đảo và làm ăn dài ngày trên biển.
Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển mạnh và hiện đại gắn với việc xây dựng và quản lý tốt cơ sở dữ liệu biển quốc gia phục vụ việc hoạch định chính sách, quy hoạch khai thác, sử dụng biển, đảo; tăng cường năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo.
Triển khai quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hải đảo ở các cấp độ khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng.
Quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả về biển và hải đảo. Trước hết cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, quản lý khai thác sử dụng các vùng biển, ven biển và hải đảo. Ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo cho phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, sớm thể chế hóa phương thức quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo, làm cơ sở cho việc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo, gắn với tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương cả về số lượng và chất lượng.
Phát triển biển đi đối với quản lý và bảo vệ biển (Ảnh Cảnh sát biển Việt Nam) |
Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ công nghệ tiên tiến, thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ biển, cho khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế biển và sản phẩm biển của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảo đảm chất lượng môi trường biển cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển thông qua tăng cường kiểm soát môi trường biển; quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc; ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các Hệ sinh thái đã bị mất, đã bị suy thoái; triển khai Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.
Chủ động phòng ngừa và thực thi các biện pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo. Khuyến khích sự chủ động tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình nói trên và cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển, hải đảo trước các tác động của biến đổi khí hậu.