Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp Gạc Ma, ý đồ gì?
Trước thông tin một phóng viên nước ngoài đã theo tàu cá Philippines tiếp cận đảo Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp thì thấy rằng Trung Quốc đã biến nơi đây thành công trường, biến đảo chìm thành đảo nổi, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trước những thông tin trên, theo quan điểm của ông, Trung Quốc đang có ý đồ gì?
Hành động Trung Quốc đầu tư xây dựng cũng như tận dụng tất cả mọi vật liệu có thể để tạo ra các đảo nổi ở khu vực này không đơn giản chỉ với ý nghĩa tạo điều kiện sinh hoạt cho quân đội Trung Quốc đang đóng nơi đây.
Mục đích sâu xa ở đây là muốn biến những đảo chìm, những bãi cạn này trở thành những căn cứ quân sự, những pháo đài thậm chí có người còn ví nó là những tàu sân bay cố định để có thể tiến xa hơn nữa xuống phía Nam Biển Đông. Tiến một bước dài hơn, mạnh hơn trong việc thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đã vạch sẵn từ lâu. Đặc biệt, hiện nay Trung Quốc muốn thực hiện điều đó một cách mạnh mẽ hơn với một sự phối hợp đồng bộ bao gồm tất cả các hoạt động trên khu vực này để chứng minh tham vọng về đường lưỡi bò mà Trung Quốc từng công bố.
Hành động này nhằm mục đích tạo ra vùng không có tranh chấp thành tranh chấp, biến không thành có, để tìm cách xí phần tài nguyên vốn hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông. Đây là một cách tính toán mà Trung Quốc đang nhắm đến.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính Phủ/Nguồn internet |
Có những ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng đường băng để thiết lập lợi thế không quân, làm bàn đạp thống trị Biển Đông. Ông có đồng tình quan điểm này không?
Thông tin Trung Quốc đang tiến hành xây dựng nhằm biến các bãi cạn, đảo chìm thành đảo nổi, đặc biệt là thông tin Trung Quốc xây đường băng ở khu vực này, Việt Nam đã nắm khá lâu chứ không phải đây là một thông tin mới. Sau khi chiếm nhóm đảo phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa ngay từ những năm 1988 Trung Quốc đã ra khảo sát.
Tất cả những việc mà Trung Quốc làm trên đảo Gạc Ma chúng ta đã theo dõi, nắm thông tin và hơn hết chúng ta đã có những ý kiến lên án, phản đối. Thậm chí, còn đề nghị lên các tổ chức Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Hành động dùng vũ lực đánh chiếm các nhóm đảo phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.
Chúng ta cũng đã tố cáo họ trong việc sử dụng lực lượng để đánh chìm tàu thực thi nhiệm vụ xây dựng đảo của Việt Nam, làm thiệt hại tính mạng của 64 người chiến sĩ của Hải quân công binh Việt Nam. Tất cả những việc làm đó, chúng ta cũng nói rất rõ vào thời điểm năm 1988. Sau đó, với tất cả những thông tin Trung Quốc đang xây dựng ở đảo Gạc Ma, chúng ta cũng luôn luôn có những ý kiến phản đối mạnh mẽ.
Đặc biệt, chúng ta cũng đã phân tích ý đồ của Trung Quốc trong việc biến các đảo chìm thành đảo nổi, biến các bãi cạn trở thành những căn cứ quân sự vì chúng ta cũng đã thấy rõ tính nguy hiểm trước hành động này của Trung Quốc.
Vậy còn ý đồ của Trung Quốc đưa dân ra một nơi chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam thì sao, thưa ông?
Trung Quốc đang muốn biến các bãi cạn này thành các đảo nổi, thậm chí đảo rất lớn, có đời sống kinh tế riêng để tạo ra môi trường sinh sống. Biến nó thành một thực thể có giá trị trong việc giải thích và vận dụng sai công ước, tạo cơ sở trong việc tính toán, mở rộng phạm vi các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo ý muốn của Trung Quốc. Đây là điều Trung Quốc đã tính toán rất kỹ để biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò của mình.
Nếu Trung Quốc biến đảo chìm thành đảo nổi và đưa dân ra sinh sống, Trung Quốc đang có “toan tính” gì về mặt pháp lý?
Trung Quốc tiến hành xây dựng các cơ sở, biến quần đảo không thích hợp cho đời sống kinh tế trở thành một đảo có vẻ như thích hợp cho đời sống con người. Nhằm mục đích biến không thành có, biến vùng không có tranh chấp thành tranh chấp, trên cơ sở đó có quyền thiết lập một đường cơ sở bao lấy toàn bộ quần đảo để mở rộng các vùng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đặc biệt, họ sẽ mở rộng hơn nữa đối với các bãi cạn, biến các bãi cạn trở thành các thực thể của quần đảo này trên cơ sở đó mở rộng thêm vùng biển, lấn vào các nước.
Theo ông, trước những ý đồ khá rõ ràng như vậy của Trung Quốc, chúng ta nên làm gì để bảo vệ chủ quyền?
Chúng ta đã làm và chúng ta tiếp tục sẽ làm những những việc nhằm phản đối hành động của đó của Trung Quốc trên tất cả các phương diện.
Về mặt dư luận phải tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin, lý giải cho người dân hiểu rõ cách làm của chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền. Càng trong tình hình hiện nay Việt Nam càng cần phải giữ được ý chí của mình, quyết không bao giờ từ bỏ chủ quyền và quyết tâm bảo vệ trên phương diện pháp lý. Điều đó hết sức có lợi cho chúng ta trong cuộc đấu tranh pháp lý.
Mặt khác, cần phải nhìn hoạt động của Trung Quốc trong một tổng thể, trong bối cảnh trước đây, hiện nay và sắp tới để theo dõi chặt chẽ và có những phương án đối phó trong những khả năng cho phép. Đồng thời góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực.
Xin cám ơn Tiến sĩ!