Trung Quốc xác nhận sản xuất "Rồng nước" khủng, tuần tra Biển Đông
Theo tờ International Business Times, phần khung máy bay đầu tiên đang được sản xuất tại một cơ sở ở thành phố Chu Hải tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, các bộ phận máy bay sẽ được hoàn thành sản xuất vào cuối năm 2015 và chuyến bay thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào giữa năm 2016.
Nguồn tin từ chính phủ Trung Quốc cho hay riêng các công ty nội địa đã đặt mua 17 chiếc AG600. Theo tạp chí The Diplomat, AG600 có khả năng cất cánh và hạ cánh trên mặt nước và mặt đất. Ngoài ra, máy bay AG600 còn là công cụ hữu hiệu giúp Bắc Kinh hiện thực hóa âm mưu bá chủ Biển Đông.
Hình ảnh thiết kếJiaolong (Rồng nước) AG600, chiếc máy bay đổ bộ lớn nhất thế giới của Trung Quốc. |
Tuy nhiên, một quan chức trong ngành hàng không Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu của nước này là đưa AG600 xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
"Ngay từ những ngày đầu nằm trong dự án phát triển, AG600 đã được thiết kế để phục vụ thị trường toàn cầu. Trung Quốc hoàn toàn tự tin với viễn cảnh đưa AG600 ra thị trường quốc tế bởi chiếc máy bay này có nhiều chi tiết kỹ thuật nổi bật như tải trọng lớn và tầm bay xa hơn bất cứ loại máy bay đổ bộ nào khác trên thế giới", ông Qu Jingwen, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc nói.
AG600 sử dụng 4 động cơ phản lực cánh quạt WJ-6. Tải trọng tối đa của máy bay khi cất cánh là 60 tấn và phạm vi hoạt động là khoảng 5.500 km. Nó có thể chở 50 người cùng một lúc.
Song theo cố vấn Sam Bateman tại Trường Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, khả năng đưa AG600 đưa đi xuất khẩu là khá hiếm bởi chương trình phát triển loại máy bay này nghiêng về mục đích quân sự nhiều hơn.
"Thời gian là vàng khi tìm kiếm và cứu nạn những người may mắn sống sót trên biển. Thời gian cứu hộ chỉ giới hạn từ 7 – 12 tiếng nhưng tốc độ của các máy bay cứu hộ giờ quá chậm. Tốc độ tối đa của AG600 là 480 km/h. Nếu điều kiện cho phép, AG600 có thể hạ cánh trực tiếp trên mặt nước và thả phao cứu sinh", ông Huang chia sẻ.
Song không ít ý kiến cho rằng AG600 khó có thể hoạt động tại những vùng biển xa để phục vụ công tác cứu hộ do ảnh hưởng của sóng lớn và gió mạnh. Thay vào đó, AG600 phù hợp làm máy bay dân sự hay quân sự và hoạt động ở vùng biển nông.
Theo Diplomat, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều động AG600 tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang có những hành động nạo vét và cải tạo trái phép.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.