Trung Quốc ngang ngược khiến quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn (Bài 1)
Trước cục diện mới của vấn đề Biển Đông, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Ts Trần Công Trục (Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ) xung quanh vấn đề này.
Ts Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ (Ảnh Hồng Chuyên) |
Thưa ông, nhìn tổng thể, trong thời gian gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều biến động, nhất là sau khi Trung Quốc có những động thái bất chấp luật pháp quốc tế, biến bãi cạn, đá thành đảo nổi. Ông có đánh giá gì về những phản ứng của Mỹ gần đây?
TS Trần Công Trục: Qua thông tin của các cơ quan liên quan, có thể nói quy mô, hoạt động sự hiện diện Mỹ ở Biển Đông càng rõ nét hơn.
Mỹ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh như, tập trận, điều động lực lượng hạm đội Thái Bình Dương. Mỹ cũng đã thấy rõ Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng, bất chấp mọi đề nghị, mọi phản đối của các nước. Mỹ cảm thấy rằng Trung Quốc đã có những tính toán nhanh chóng khống chế Biển Đông. Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ đáp lại điều đó.
Những hành động gần đây là một hình thức để đưa ra một thông điệp với Trung Quốc. Theo tôi, các cuộc họp nội các sắp đến, Mỹ cũng sẽ có những động thái để gây sức ép với Trung Quốc trong đàm phán của “hai siêu cường”.
Đó là hành động phân chia quyền lực phân chia ảnh hưởng. Đó cũng là một động thái diễn ra ngay trước cuộc gặp gỡ của Tổng Thống Obama và Tập Cận Bình, vào tháng 9 tới.
Đồng thời cũng trong lúc này, Hội đồng trọng tài đang có những bước đi ban đầu. Đáp lại hành động của Hội đồng trọng tài, thái độ của Trung Quốc vẫn là quay lưng lại, mặc dù tòa vẫn xét xử tiến triển vẫn thuận lợi.
Phải chăng đây cũng là một tín hiệu cho thấy rằng, nếu Trung Quốc không muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán thì vấn đề đụng độ trên Biển Đông có nhiều khả năng xảy ra, cũng là một thông điệp mà Mỹ nhắn gửi đến Trung Quốc.
Tất cả yếu tố đó cho thấy tình trạng giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những động thái tìm mọi cách để gây sức ép với nhau trên thực tế cũng như trên mặt trận ngoại giao, pháp lý.
Phải chăng, ông cho rằng, tình hình Biển Đông đã trở thành vấn đề của các siêu cường?
TS Trần Công Trục: Như chúng ta đã biết, Mỹ cũng muốn tìm cách gây căng thẳng trong việc Trung Quốc bắt tay với Nga đối trọng lại với Mỹ và các nước phương Tây tại khu vực Ukraine và Trung Đông. Nếu như sự gắn kết chặt chẽ đó thì Mỹ cũng đã tìm cách nới lỏng quan hệ chặt chẽ để Trung Quốc khó có thể gắn kết như là một đồng minh, liên minh trong mặt trận hiện nay giữa các thế lực.
Không phải ngẫu nhiên mà có tuyên bố Nga không bao giờ liên minh với Trung Quốc. Mặc dù, tuyên bố đó thanh minh rằng không có liên minh, nhưng thực chất phải có những tính toán nào đó, người ta mới nói vậy?
Đấy cũng là tất cả những vấn đề đặt ra xoay quanh câu chuyện về một cuộc cạnh tranh về địa vị chính trị, bây giờ không phải là vấn đề giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước ASEAN mà đây là vấn đề quốc tế, vấn đề đối chọi nhau giữa các siêu cường.
Vậy còn những động thái của các đồng minh thân Mỹ trên Biển Đông, thưa ông?
TS Trần Công Trục: Đây là những kết quả tất yếu của việc Trung Quốc bất chấp tất cả, có những hành động hết sức ngang ngược và trắng trợn, những việc họ tìm cách tôn tạo những bãi cạn thành đảo nhân tạo, xây dựng những căn cứ quân sự trên đó.
Trước sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc cho rằng công trình phục vụ nhân đạo ..v.v nhưng trên thực tế đây có thể là nhịp cầu để Trung Quốc có thể vươn ra khống chế toàn bộ Biển Đông theo chiến lược độc chiếm Biển Đông.
Với động thái đó làm cho các nước trong khu vực liên minh với Mỹ phải tăng cường sức mạnh của mình. Đó là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh trong khu vực này. Đó là theo hậu quả của những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Đây là điều tất yếu.
Chúng ta không lấy gì là ngạc nhiên về những phản ứng của những nước đồng minh của Mỹ và ngay bản thân chúng ta cũng phải có những tính toán để mà đủ sức mạnh để chống lại những hành động ngang ngược của Trung Quốc, nếu đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích chung.
Tình thế hiện nay cho thấy, không phải chỉ ở phía Đông mà còn ở cả phía Tây, cũng đã những dấu hiệu khiến chúng ta phải hết sức lưu ý.
Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên bãi Gạc Ma, thuộc Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam (Ảnh Nguyễn Cường) |
Thưa ông, Trung Quốc muốn giải quyết song phương, kể cả vấn đề Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Tuy nhiên, hành động ngang ngược của Trung Quốc đã kéo cộng đồng quốc tế quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông. Liệu có phải hành động ngang ngược này đã dẫn đến hệ quả tất yếu là quốc tế phải quan tâm và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Hay nói cách khác, phải chăng Trung Quốc đang trong tình thế "gậy ông đập lưng ông”?
TS Trần Công Trục: Trước hết, đây là động thái đầy tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc nói rằng, họ muốn giải quyết song phương không muốn quốc tế hóa vấn đề, thế nhưng tất cả những hành động đó làm cho thế giới phải quan tâm, thậm chí không những quan tâm về phương diện truyền thông phương diện ngoại giao mà kể trong tăng cường sức mạnh thực chất.
Như vậy rõ ràng, đây là tính toán của Trung Quốc có thể là họ có một ý đồ nào đó, trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Đồng thời, đây cũng có thể là một việc Trung Quốc buộc phải làm để giải quyết được mâu thuẫn nội bộ, chuyển mâu thuẫn ra bên ngoài. Tôi tin là họ cũng đã tính toán giữa cái lợi với cái bất lợi.
Nhưng có lẽ với họ, chuyện nội bộ là cái đầu tiên và họ cũng có thể cho rằng là đã đến lúc họ cần phải tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ tại Biển Đông (trong đó có hành động phi pháp đối với Trường Sa).
Hơn nữa, Trung Quốc cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ, Phương Tây và Nga đang thuận lợi cho họ. Họ cho rằng, các nước khác thì cũng bị một hoàn cảnh nào đó không thể can thiệp mạnh mẽ, nên là thời cơ của họ.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chúng ta đều thấy rõ, Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, không chỉ phản ứng bằng truyền thông, bằng ngoại giao mà cả những hành động thực chất. Phải chăng Trung Quốc đã sai lầm khi đẩy cục diện Biển Đông theo chiều hướng khác?