Trung Quốc hăm hở xua ngư dân đi trước hòng độc chiếm Biển Đông
Theo Washington Post, ngư dân Trung Quốc, thường được hỗ trợ bởi các tàu cảnh sát biển, di chuyển ra rất xa đất nước mình và tiến gần tới bờ biển của các quốc gia khác.
Ông Zhang Hongzhou, một chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nói: "Bắc Kinh xem các ngư dân và tàu cá là công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc và khẳng định những yêu sách của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp".
Washington Post cho hay, tại cảng cá Tanmen ở phía nam đảo Hải Nam, thuyền trưởng Chen Yuguo, 50 tuổi, đang sửa chữa một lỗi nhỏ trên con thuyền của mình sau chuyến đi đánh bắt 6 tuần gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu cá của Trung Quốc được trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh hiện đại. |
Chiếc thuyền của ông Chen được trang bị một hệ thống định vị vệ tinh đắt tiền do chính phủ Trung Quốc cung cấp. Ông Chen cho biết, ở gần quần đảo Trường Sa, thuyền của ông đánh bắt được nhiều hải sản hơn so với ở các vùng biển ven bờ đã bị cạn kiệt của Trung Quốc. Ông này còn nói thêm rằng, ngoài việc đánh bắt cá, ông còn đang thực hiện “nhiệm vụ yêu nước” của mình. Điều đó cho thấy mục đích chính của các tàu cá Trung Quốc là nhằm gây hấn với các nước láng giềng.
Trường Sa là của Việt Nam nhưng vị thuyền trưởng này khăng khăng: “Đó là vùng biển của chúng tôi. Nếu chúng tôi không đánh cá ở đó, thì chúng tôi phải khẳng định lãnh thổ của mình bằng cách nào?”.
Chuyên gia Zhang nói thêm: "Ngư dân Trung Quốc đang tăng cường xuất hiện tại những khu vực đang có tranh chấp ở Biển Đông. Các sự cố về đánh bắt cá có thể gây ra những căng thẳng an ninh và ngoại giao lớn hơn giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực”.
Đoàn tàu cá của Trung Quốc. |
Hồi cuối tháng Ba, giới chức hàng hải Malaysia phát hiện khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc, được hộ tống bởi tàu cảnh sát biển, kéo vào vùng biển của nước này, gần cụm bãi cạn Luconia. Nơi đây chỉ cách đảo Borneo của Malaysia chưa đến 100 hải lý, nhưng cách phía nam đảo Hải Nam Trung Quốc tới 800 hải lý.
Sự cố căng thẳng khác xảy ra vào ngày 20/3, khi các quan chức Indonesia tố tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc dùng vũ lực để ngăn Lực lượng Giám sát Thủy sản và Hàng hải nước này bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna.
Mặc dù đang có mối quan hệ khá tốt đẹp với Trung Quốc nhưng chính phủ Indonesia đã phản ứng rất giận dữ với hành động trên và khẳng định Bắc Kinh đã phá hoại những nỗ lực duy trì hòa bình của Jakarta.
Để khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi lý với khoảng 90% Biển Đông, mỗi khi có sự cố liên quan đến tàu cá Trung Quốc, dù ở vùng biển rất xa, Bắc Kinh luôn nhanh chóng tuyên bố ngang ngược rằng, các tàu cá nước này đang hoạt động trong cái gọi là “ngư trường truyền thống” của mình.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. |
Washington Post dẫn lời ông Alan Dupont, giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia nhận định: “Tàu cá sẽ mở đường, sau đó đến tàu cảnh sát biển, rồi đến cải tạo trái phép các bãi đá, rạn san hô, cuối cùng là quân sự hóa và kiểm soát”.
Ông nói thêm: "Tôi gọi chiến lược này là 'đánh bắt, bảo vệ, chiếm đoạt và kiểm soát’".
Theo ông Dupont, Trung Quốc liên tục cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông, nhưng chính Trung Quốc lại đang theo đuổi chiến lược thống trị khu vực Tây Thái Bình Dương và đẩy Washington ra khỏi khu vực. Tuy nhiên, chính sách "cơ hội" này của Bắc Kinh lại bị phản tác dụng khi các nước lo ngại về Trung Quốc đang đoàn kết lại để chuẩn bị đối phó với những hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Theo Washington Post, để phục vụ cho mục đích chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang khích lệ ngư dân đánh bắt càng xa bờ càng tốt. Nước này đang trợ giá nhiên liệu cho ngư dân, đặc biệt đối với những tàu đánh bắt ở Trường Sa. Chính quyền Hải Nam hỗ trợ lớn cho việc đóng những con tàu bọc thép cỡ lớn và trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh đắt tiền cho khoảng 50.000 tàu. Với hệ thống định vị hiện đại, tàu cá Trung Quốc có thể dễ dàng gửi tín hiệu cầu cứu tới tàu cảnh sát biển để thông báo vị trí chính xác của mình bất cứ khi nào gặp rắc rối.
Nhiều ngư dân còn cho biết, chính phủ thường xuyên tổ chức các chuyến đi tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là những khi căng thẳng leo thang.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có một đội quân gọi là Dân quân biển Tanmen (Tanmen Maritime Militia). Washington Post cho rằng, đội quân này đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các ngư dân đánh bắt ở quần đảo Trường Sa.
Bên cạnh việc đánh cá, Dân quân biển Tanmen còn làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu xây dựng tới các khu vực Trung Quốc đang cải tạo và xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Rodger Baker , nhà phân tích hàng đầu của Tổ chức tình báo toàn cầu Stratfor nhận định, việc sử dụng lực lượng dân quân biển đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn.
Ông nói: "Tàu đánh cá chỉ nên đến nơi nào có cá, sò và cua. Khi bị xúi giục bằng những luận điệu chủ quyền, chủ nghĩa dân tộc, hay chủ nghĩa yêu nước, các thuyền trưởng tàu cá sẽ cho rằng họ có thể hành động ngang ngược vì đã có người đứng sau bảo vệ. Và họ nghĩ rằng mình có thể vượt quá các giới hạn”.
Ông Baker khẳng đinh, tâm lý đó chắc chắn gây ra nhiều cuộc khủng hoảng hơn nữa trên Biển Đông.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ TheWashington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ.