Trung Quốc gửi công hàm phản đối Mỹ điều máy bay giám sát Biển Đông
Theo Reuters, Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối việc một máy bay giám sát của Mỹ bay tới các khu vực mà Bắc Kinh đang xâm chiếm và xây dựng trái phép trên Biển Đông. Đây có thể là nguyên nhân khiến mối quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào vòng xoáy căng thẳng.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng tại châu Á đã không ngừng leo thang trước hành động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hồi tuần trước, Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh "vô cùng không bằng lòng" sau khi máy bay tình báo của Mỹ bay tới gần các khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều cáo buộc nhau là nguyên nhân gây bất ổn an ninh trong khu vực.
Lính Hải quân Mỹ ngồi trên máy bay trinh sátP-8A Poseidonghi lại những hình ảnh Trung Quốc cải tạo trái phép tại khu vực Đá Chữ Thập thuộc quyền đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Hôm nay (25/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay Bắc Kinh đã gửi công hàm nhằm phản đối "hành động khiêu khích" từ phía Mỹ.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ sửa chữa lỗi lầm, đưa ra những lời lẽ chừng mực và dừng ngay các tuyên bố cũng như hành động vô trách nhiệm. Quy tắc tự do hàng hải và hàng không không có nghĩa là các tàu thuyền và máy bay quân sự của nước ngoài có có thể phớt lờ quyền hợp pháp của những nước khác cũng như sự an toàn của hoạt động hàng không và hàng hải", bà Hoa nói.
Trung Quốc cũng nhấn mạnh về việc nghe được "nhiều lời phản đối mạnh mẽ " từ phía Mỹ về hành động xây dựng tại các bãi đá và hòn đảo trên Biển Đông.
Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn cho rằng cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ là "không thể tránh khỏi" nếu như Washington không ngừng yêu cầu Bắc Kinh dừng các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu khẳng định Trung Quốc đang cố gắng hoàn thiện chương trình xây dựng và coi đây là "điểm mấu chốt quan trọng nhất" của quốc gia này. Theo Reuters, mặc dù, lời nhận định của Thời báo Hoàn Cầu không được các chính trị gia Trung Quốc công khai tuyên bố nhưng nó vẫn xuất hiện trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Còn lâu nay, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, khu vực mà cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. Biển Đông còn là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới với tổng giá trị thương mại qua đây đạt 5 ngàn tỷ USD/năm.
Về phần mình, Washington khẳng định vẫn sẽ tiếp tục công tác tuần tra đường biển và đường không ở Biển Đông bất chấp mối quan ngại của giới chuyên gia an ninh về việc Trung Quốc có thể áp đặt những quy định hạn chế tiếp cận bằng đường không và đường biển ngay khi Bắc Kinh hoàn thành xây dựng tại 7 hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trước đây, Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng "những rủi ro hiện vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát" nếu như Washington tôn trọng chính sách trỗi dậy trong hòa bình của Trung Quốc. "Trung Quốc không muốn xảy ra giao tranh quân sự với Mỹ nhưng nếu chuyện này xảy ra, chúng tôi buộc phải chấp nhận", Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.