Trung Quốc giảm chi tiêu quân sự do dịch Covid-19?
Giới chuyên gia nhận định, dù mức tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ vẫn tăng để hoàn thành chương trình hiện đại hóa quân sự.
Mỹ điều 4 oanh tạc cơ B-1B ‘dằn mặt’ Trung Quốc sau loạt tàu chiến tới Biển Đông
Sau sự xuất hiện liên tiếp của các tàu chiến trên Biển Đông, Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom hạng nặng B-1B cùng hàng trăm binh sĩ tới đảo Guam để tiến hành “sứ mệnh ngăn chặn” trước Trung Quốc.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, theo giới phân tích, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong thời gian tới sẽ chỉ chịu tác động nhỏ từ sự sụt giảm kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngân sách quốc phòng Trung Quốc sụt giảm, mà thay vào đó chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ tăng chi tiêu để nâng cao năng lực quân sự quốc gia.
Trung Quốc được cho tiếp tục tăng cường chi tiêu quốc phòng bất chấp ảnh hưởng kinh tế từ dịch Covid-19. (Ảnh: China Daily) |
Theo dự kiến, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ được công bố tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (NPC). Sau hai tháng trì hoãn vì dịch bệnh, cuộc họp quan trọng này sẽ chính thức được tiến hành vào ngày 22/5 tới.
Vào năm 2019, khoản chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được công bố tại NPC là 1,18 ngàn tỉ nhân dân tệ (176 tỉ USD), tăng 7,5% so với năm 2018.
Trung Quốc cho biết chi tiêu quân sự của nước này luôn dưới 2% GDP trong hơn 30 năm qua. Song theo các nhà quan sát phương Tây, con số thực mà Trung Quốc chi cho hoạt động quốc phòng còn cao hơn nhiều.
Trong bản báo được công bố hồi tuần trước, Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm ước tính, Trung Quốc chi tới 261 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2019. Với số tiền này, Trung Quốc đứng thứ 2 trong danh sách các nước có mức chi tiêu quốc phòng nhiều nhất toàn cầu và chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia dành 732 tỉ USD cho quân sự.
Ông John Lee, Giáo sư tại Đại học Sydney ước tính trong năm nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn sẽ duy trì đà tăng như những năm gần đây.
“Trong tình hình hiện tại, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng về cơ bản, Trung Quốc đã hồi phục sau đại dịch Covid-19 và sức mạnh không bị ảnh hưởng bởi những diễn biến gần đây”, ông Lee nói.
Do tác động từ các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan nhanh trong cộng đồng, GDP Trung Quốc chứng kiến mức sụt giảm 6,8% trong quý I năm nay. Song kể từ năm 2011, mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc luôn vượt mức tăng trưởng GDP nói chung.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng, ngoài đầu tư cho quân sự, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ cho tạo thêm công ăn việc làm, các khoản phúc lợi xã hội và xóa đói giảm nghèo.
“Tôi nghĩ rằng, đối với cả dư luận trong nước và nước ngoài, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ phát đi tín hiệu xấu tới các đối thủ tiềm tàng rằng, Bắc Kinh đã mất khả năng duy trì chương trình hiện đại hóa quân sự để chú trọng tới các lợi ích cốt lõi của quốc gia”.
Kể từ năm 2015, quân đội Trung Quốc đã triển khai chương trình cải cách quy mô lớn và đắt đỏ như cải tổ nhân sự, thay đổi cấu trúc hoạt động, nâng cấp thiết bị quân sự, tăng cường huấn luyện hướng tới gần tới viễn cảnh thực chiến. Chương trình cải tổ quân sự của Trung Quốc được cho sẽ hoàn thành trong năm nay.
Nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, ông Song Zhongping cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những diễn biến căng thẳng ở eo biển Đài Loan và tình hình trên Biển Đông, quân đội Trung Quốc đang đối mặt với thách thức duy trì đà tăng chi cho quân sự.
Chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong dự báo “dù chuyện gì xảy ra”, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng sẽ tăng khoảng 6 – 7%.
“Quân đội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Covid-19, do đó việc cắt giảm ngân sách quốc phòng là điều không thể chấp nhận được”, ông Wong chia sẻ.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, quân đội Trung Quốc đã điều động hơn 4.000 nhân viên y tế tham gia chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh, đồng thời hỗ trợ vận chuyển thiết bị y tế.
Chuyên gia hải quân Li Jie cho rằng, việc tăng nhẹ ngân sách quốc phòng sẽ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Trung Quốc đồng thời duy trì năng lực đối phó trước các mối đe dọa tiềm tàng như ngăn chặn Đài Loan giành độc lập.
Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào đại lục. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh nhấn, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Ngoài ra, kể từ năm 2016, thời điểm bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã liên tục tăng cường sự hiện diện gần đảo Đài Loan, cũng như tổ chức các cuộc tập trận “bao vây” quy mô lớn và huấn luyện dàn oanh tạc cơ.
Cũng theo ông Li, ngân sách quốc phòng Trung Quốc chắc chắn sẽ giữ đà tăng trưởng như năm ngoái hoặc có thể “tăng nhẹ”.
“Nếu chính phủ Trung Quốc mở rộng chi tiêu quân sự quá nhiều, nó sẽ càng củng cố thêm cho học thuyết ‘mối đe dọa từ Trung Quốc’ và khiến cộng đồng quốc tế thêm quan ngại”, ông Li kết luận.
Minh Thu (lược dịch)