Trung Quốc dọa đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông
Thời báo Hoàn cầu cho hay, nhà máy điện hạt nhân nổi có thể di chuyển và cung cấp điện ổn định cho các hoạt động trái phép xa bờ.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. |
Ông Liu Zhengguo, một lãnh đạo tại Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy trên, cho biết đang xúc tiến dự án.
Ông này nói: “Việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nổi là một xu hướng đang phổ biến. Số lượng nhà máy chính xác được xây dựng phụ thuộc vào nhu cầu thị trường”. Theo ông Liu, nhu cầu đang rất mạnh.
Thời báo Hoàn cầu còn dẫn một báo cáo từ hồi tháng 1/2016 của Thời báo Chứng khoán Trung Quốc cho hay, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 và có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2019.
Trong khi đó, chuyên gia hàng hải Trung Quốc Li Jie khẳng định, các nhà máy này có thể cấp điện cho các ngọn hải đăng, các thiết bị tìm kiếm và cứu hộ, các cơ sở quân sự, sân bay, bến cảng mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Ông Li Jie nói: “Bình thường, chúng tôi phải sản xuất điện bằng cách đốt dầu và than”. Ông đã vô tình thừa nhận, những hòn đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông nằm cách quá xa so với lục địa. Hơn nữa, thời tiết nhiều biến động cũng là một nguyên nhân khiến việc vận chuyển nhiên liệu gặp nhiều khó khăn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Đó là lý do tại sao việc xây dựng các nhà máy điện nổi có vai trò cực kỳ quan trọng”.
Trung Quốc hành động ngày càng hung hăng để khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, khiến các nước láng giềng cũng như cộng đồng thế giới lo ngại.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.