Trung Quốc đang "ngấm đòn" chiến lược của Mỹ ở Biển Đông?
Theo ông Hunter, dù chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bị cho là chưa đủ cứng rắn để ngăn chặn các hoạt động xây dựng trái phép ồ ạt của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng việc Mỹ đang theo đuổi chính sách đa phương đang phát huy tác dụng.
Hiện các đồng minh và đối tác của Washington trong khu vực đang cùng nhau ngăn chặn các hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Các mối quan hệ hợp tác an ninh mới nổi trong khu vực, như Philippines và Việt Nam, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, đã được hiện thực hóa dù thiếu một chiến lược gắn kết từ Washington. Có nghĩa là, các quốc gia trong khu vực đang bắt đầu hợp tác với nhau dựa trên các lợi ích chung dù không có sự phối hợp các mối quan hệ này từ phía Mỹ.
Mỹ thường xuyên tuần tra trên Biển Đông nhằm ngăn chặn hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc. |
Ông Hunter đánh giá, chủ nghĩa đa phương châu Á mới này sẽ bền bỉ bởi nó không chỉ đơn giản là một phần thiết yếu trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ mà còn là một phản ứng bắt nguồn từ lợi ích chiến lược của các quốc gia trong khu vực.
Nhiều nhà phê bình đã từng chỉ trích, việc ông Obama theo đuổi chiến lược đa phương, thay vì trực tiếp ngăn chặn Trung Quốc, đã làm suy yếu vị thế của Mỹ ở châu Á.
Tuy nhiên, kết quả thực tế lại hoàn toàn khác. Theo TNI, các nước trong khu vực đang chào đón sự hiện diện của Mỹ và sẵn sàng kí các thỏa thuận quốc phòng với Washington. Họ cũng đã thành lập các liên minh an ninh và các mối quan hệ đối tác chiến lược để chống lại sự ngang ngược của Trung Quốc.
Những quốc gia đầu tiên của châu Á đi theo xu hướng này là Nhật Bản, Philippines và Australia. Giống như Mỹ, những nước này đang cảnh báo ngày càng gay gắt và thường xuyên đối với việc Bắc Kinh phớt lờ và bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực để khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi lý.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc. |
Họ đều nhận thức được rằng, việc bảo vệ tự do thương mại và hàng hải, chống lại sự độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực.
Chính vì có một mục đích chung như vậy nên các quốc gia trong khu vực, cũng như Mỹ đã tăng cường hợp tác để ngăn chặn Trung Quốc. Ví dụ, hồi tháng Ba vừa qua, Mỹ và Philippines đã kí một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines. Các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực cùng thiết lập nhiều mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với nhau. Tháng 11/2015, Philippines và Việt Nam đã đi đến mối quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, hai bên đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng, đặc biệt trong các hoạt động chung trên Biển Đông nhằm cùng nhau tăng cường an ninh hàng hải theo đúng luật pháp quốc tế.
Trung Quốc chuyên dùng "vỏ bọc" tàu đánh cá để quấy nhiễu láng giềng. |
Hôm 6/5, Australia và Singapore cũng đã đi đến thỏa thuận Hợp tác Chiến lược Toàn diện. Cũng trong tuần trước, Indonesia, Philippines và Malaysia nhất trí sẽ tuần tra chung trên vùng biển Sulu, nằm giữa 3 nước.
Đồng minh lâu năm của Mỹ là Nhật Bản đang thúc đẩy một cấu trúc an ninh có từ sau Thế Chiến II nhằm tiếp tục duy trì hòa bình ở châu Á. Năm 2015, Tokyo thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Philippines, Indonesia, và Malaysia. Gần đây, Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ đang thảo luận về một thỏa thuận bốn bên để bảo vệ tự do hàng hải.
Về phần mình, ngoài việc thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên trên Biển Đông để ngăn hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc, Mỹ còn mở rộng tài trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức hàng hải cho các quốc gia Đông Nam Á. Tháng 6/2015, Lầu Năm Góc đưa ra Sáng kiến An ninh Hàng hải, một chương trình có tài trợ trị giá 425 triệu USD trong vòng 5 năm nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia Đông Nam Á để giám sát và bảo vệ vùng biển của họ.
Năm nay, Mỹ cung cấp viện trợ quân sự trị giá 50 triệu USD cho Philippines để tăng năng lực do thám hàng hải. Theo các quan chức Mỹ, gói viện trợ quân sự từ Washington cho Manila sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Theo ông Hunter, sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mạng lưới đồng minh và đối tác để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Ông nhận định, dù không đưa ra những hành động răn đe mạnh mẽ với Trung Quốc nhưng Mỹ đang cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng bỏ qua luật pháp quốc tế, bắt nạt từng quốc gia nhỏ hơn trong khu vực.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.