Trung Quốc đang cố gắng cô lập Philippines, Nhật Bản?
Philippines, Nhật Bản muốn xoa dịu tình hình…
Trong thời gian gần đây, cả Philippines và Nhật Bản đã thực hiện một số lời đề nghị tới Trung Quốc nhằm hàn gắn quan hệ song phương căng thẳng. Cụ thể, trong tuần này, Tham mưu trưởng quân đội Philippines Emmanuel Bautista cam kết rằng nước ông sẽ tiếp tục học thuyết không đối đầu của mình ở Biển Đông và sẽ xem xét cho phép tàu hải quân Trung Quốc sử dụng cảng Subic.
“Nhiều tàu nước ngoài tới thăm cảng của chúng tôi và chúng tôi chào đón họ. Đó là một phần của ngoại giao quân sự”, ông Bautista nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post), đề cập đến quân đội Trung Quốc.
Một điều đáng chú ý khác, Tổng thống Benigno Aquino III công bố hồi đầu tháng này rằng ông đã chấp nhận lời mời của Trung Quốc tới tham dự một hội chợ thương mại ở Nam Ninh và dự kiến gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến đi này.
Nhật Bản tỏ ra “mạnh dạn” hơn khi gửi lời đề nghị tới Bắc Kinh cũng như việc nhiều quan chức Nhật Bản tới thăm Trung Quốc trong suốt mùa hè vừa qua. Mặc dù không có chi tiết cụ thể nào về các chuyến đi được tiết lộ, khả năng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi phái viên đến Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước là rất lớn. Mối quan hệ giữa hai cường quốc đã trở nên căng thẳng kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số hòn đảo trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi cuối tháng 9/2012.
Ông Abe cũng đưa ra nhiều lời kêu gọi tới nhà lãnh đạo hay ngoại trưởng của Trung Quốc nên thực hiện các hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước trong thời gian gần đây. “Tôi nghĩ rằng nên có một cuộc họp thưởng định hoặc một cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao càng sớm càng tốt… Theo tôi, cuộc họp này cần được tổ chức mà không cần đến điều kiện tiên quyết”, ông Abe cho biết vào cuối tháng Bảy vừa qua.
Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Shinzo Abe cũng có những nhận xét tương tự, và Tokyo bày tỏ sự lạc quan rằng những hội nghị như vậy sẽ sớm được tổ chức.
…Còn Trung Quốc từ chối
Trong khi ra sức "lạnh nhạt" với Nhật Bản và Philippines, Trung Quốc lại đang cố gắng để "làm thân" với các quốc gia khác trên thế giới. Trong ảnh là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức hồi tháng 6/2013. |
Hôm thứ Năm (29/8), Bộ Ngoại giao Philippines thông báo rằng Tổng thống Aquino đã hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc vào tuần tới theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Về phía mình, Bắc Kinh từ chối đã từng mời ông Aquino.
Trung Quốc cũng đã nhiều lần bác bỏ lời kêu gọi của Nhật Bản tổ chức hội nghị cấp cao giữa hai bên. Gần đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông tuyên bố sẽ không có hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại St Peterburg, Nga vào tuần tới.
"Một cuộc họp song phương giữa các nhà lãnh đạo không chỉ là chụp ảnh và bắt tay, nó phải cung cấp một cơ hội cho họ để tìm ra một giải pháp cho vấn đề", ông Lý nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Từ chối lời đề nghị của Philippines và Nhật Bản không đồng nghĩa với việc Trung Quốc từ bỏ con đường ngoại giao. Ngược lại, Trung Quốc đang lên kế hoạch tấn công mạnh mẽ theo cách riêng của mình trong khu vực suốt từ Ấn Độ cho đến Thái Bình Dương.
Đầu tháng Tám, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dành 6 ngày công du ở Đông Nam Á. Trong khi vẫn lên tiếng đe dọa các nước ASEAN, yêu cầu khối này “phải thực tế hơn trong việc nhanh chóng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”, Trung Quốc cũng đã tỏ thái độ sẵn sàng cho một chương trình thảo luận về vấn đề này trong thời gian tới.
Thậm chí, trong tuần này, Trung Quốc đã tỏ ra đồng thuận với ASEAN về hướng giải quyết các tranh chấp xảy ra trên Biển Đông, thông qua một đường dây nóng và thỏa thuận không dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn. Vào tuần tới, các nhà lãnh đạo Thái Lan và Trung Quốc sẽ gặp gỡ nhau ở Hội chợ thương mại mà Tổng thống Philippines Aquino đã bị từ chối tham dự. Ngoài ra, hôm thứ Năm (29/8), Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan đã thông báo trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng cấp của các nước ASEAN rằng “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ vấn đề cụ thể nào làm lu mờ quan hệ ASEAN – Trung Quốc, hiện đang tiến triển tốt đẹp”.
Sau khi lặp đi lặp lại các vụ xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ vào đầu năm nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với New Dehli và mọi việc đang tiến triển tốt đẹp. Tuần trước, New Dehli thông báo rằng Bắc Kinh đã gửi cho họ một dự thảo thỏa thuận hợp tác biên giới và hy vọng hai bên sẽ ký kết thỏa thuận này khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới thăm Trung Quốc trong tháng Mười.
Các quan chức Trung Quốc cũng thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Triều Tiên sau một thời gian dài im ắng. Quan hệ quân sự và hợp tác quốc phòng Mỹ - Trung Quốc cũng đã được cải thiện đáng kể trong mùa hè vừa qua. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã tới thăm Washington và hai bên đã thống nhất tổ chức tập trận hải quân chung lần thứ hai vào cuối tuần trước. Ông Thường và người đồng cấp Mỹ của mình, Chuck Hagel, sẽ gặp lại nhau trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) trong tuần này, sau khi đã hội đàm tại Lầu Năm Góc tuần trước.
Như vậy, Trung Quốc chỉ tỏ ra “khó chịu” khi thực hiện hoạt động ngoại giao đối với Nhật Bản và Philippines. Điều này gần như chắc chắn là nhằm mục đích cô lập các tranh chấp của Bắc Kinh với Nhật Bản và Philippines ra khỏi các mối quan hệ ngoại giao với các cường quốc khác trong khu vực.
Nói cách khác, Trung Quốc hy vọng sẽ làm giảm mối quan tâm khu vực về sức mạnh đang lên của nước này và sự quyết đoán ngày càng tăng trong các tranh chấp lãnh thổ bằng cách mô tả sự đối lập với Nhật Bản và Philippines là trường hợp ngoại lệ hiếm có và các quy luật chung của Trung Quốc vẫn đang duy trì mối quan hệ tích cực của họ trong khu vực.
Mục đích của đối sách này là để đổ lỗi các tranh chấp lên Tokyo và Manila, làm giảm bớt những đối trọng với Trung Quốc, và giảm những nỗ lực của Nhật Bản và Philippines để phổ biến nguyên nhân tranh chấp với các quốc gia khác trong khu vực phức tạp.
Trong lịch sử, đây là phản ứng ngoại giao tự nhiên của Trung Quốc có từ thời cổ đại, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng phương pháp “dùng sự man rợ để đối phó với kẻ man rợ”.