Trung Quốc đã từng bước xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào?
Đó là câu hỏi của bạn Nguyễn Duy Hùng (Học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao).
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã hỏi câu hỏi rất hay. Hiện nay, dư luận đang theo dõi rất sát tình hình Trung Quốc xâm phạm quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã biến những đảo chìm thành những công trường lớn, hút cát đổ bê tông nhằm biến đảo Gạc Ma của Việt Nam (do TQ dùng vũ lực chiếm đóng năm 1988) thành 1 đảo nổi có sân bay căn cứ quân sự. Bên cạnh đó, đá Chữ Thập, Trung Quốc đã hút, bồi cát tạo nên diện tích nổi lớn nhất Trường Sa. Đây là hành động "lấn dần" Trường Sa do Trung Quốc thực hiện bất chấp luật pháp Quốc tế, với toan tính hiện thực hóa đường lười bò phi lý.
Ảnh thể hiện Trung Quốc xây dựng trái phép tại Gạc Ma của Việt Nam |
Hành động ngang nhiên này không phải diễn ra 1 lần mà có một hệ thống. Dưới đây, sách 100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam sẽ chỉ ra quá trình Trung Quốc "xâm lược" Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như thế nào?
Đối với quần đảo Hoàng Sa:
Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.
Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ và trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, CHND Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, CHND Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.
Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-ve năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.
Đối với quần đảo Trường Sa:
Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định “các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc”.
Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.
Năm 1988, CHND Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa, ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.
Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy, tổng số đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 7 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô là bãi Bàn Than.