Trung Quốc côn đồ trên Biển Đông, Việt Nam nên làm gì?
Tối qua, trong chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, hình ảnh 7 tàu Trung Quốc trong đó có tàu kéo công xuất lớn đã trực tiếp kẹp và đâm thẳng vào giữa thân tàu 951 của Việt Nam.
Đây là hành động côn đồ có chủ đích làm hư hại thiết bị tàu, gây thương vong lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Bản thân phóng viên của Báo điện tử Infonet đã nhiều lần tận mắt chứng kiến hành động côn đồ đó của Trung Quốc. Lần này hành động côn đồ đã cao thêm một bậc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn kéo giàn khoan mới vào Biển Đông hòng đẩy căng thẳng càng ngày càng leo thang. Trước những hành động leo thang nguy hiểm của Trung Quốc, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi chúng ta phải làm gì trước hành động này? Chúng tôi chuyển câu hỏi này đến TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.
Tàu Trung Quốc hướng thẳng mũi đâm trực diện vào tàu HP 951 (ảnh từ Video) |
Đâm thẳng vào tàu HP 951 (ảnh video) |
Tàu HP 951 thiệt hại nặng nề (ảnh video) |
Theo TS Trần Công Trục, chúng ta nên kiên trì thực hiện 4 yêu cầu sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát hiện trường và áp dụng các biện pháp như đã từng áp dụng trong thời gian qua. Nghĩa là các lực lượng thực thi pháp luật cần kiềm chế không chủ động gây ra bất kỳ hành động nào để đối phương có thể lợi dụng để kiếm cớ gây ra xung đột, tiếp tục đổ tội, vu khống chúng ta. Kiên quyết không mắc bẫy Trung Quốc.
Thứ hai, cần lưu ý: Phải ghi lại bằng hình ảnh và văn bản về tất cả các hoạt động và hành vi vi phạm của các phương tiện Trung Quốc để làm bằng chứng pháp lý phục vụ cho cuộc đấu tranh pháp lý khi cần thiết.
Thứ ba, mặc dù rất khó khăn do tàu thuyền Trung Quốc ngăn chặn thô bạo, chúng ta cũng tìm cách tiếp cận giàn khoan để tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết trong việc xác định vị trí, các động thái liên quan đến việc di dời giàn khoan và phải có cách ghi lại mọi diễn biến tại thực địa và bảo quản chúng cẩn thận…
Thứ tư, rõ ràng các lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta đang đối mặt trước một tình thế hết sức khó khăn hiểm nguy. Bởi vì, theo quy định của luật pháp hiện hành, xuất phát từ lập trường đúng đắn, từ thiện chí của chúng ta, cũng như từ chức trách nhiệm vụ của những cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng thực thi pháp luật theo quy định của luật pháp, chúng ta không chủ động sử dụng vũ lực để thực thi nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán, trừ trường hợp phải tự vệ chính đáng.
Muốn làm được như vậy, đòi hỏi mỗi một cán bộ chiến sỹ đang thực thi nhiệm vụ phải tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, biết kiềm chế, không manh động, không mắc mưu của Trung Quốc để tránh được những xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.
Trước câu hỏi: ngoài những hành động côn đồ tại thực địa Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc còn kéo thêm giàn khoan vào Biển Đông, ông có nhận định gì, TS Trần Công Trục cho biết: “Thông tin cho biết Trung Quốc lại đưa thêm mấy giàn khoan nữa ra tác nghiệp trong Biển Đông. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi xác định một cách chuẩn xác những thông này để chủ động có phương án ứng phó thích hợp và kịp thời trên mọi mặt trận liên quan”.
Ông nhấn mạnh: “Có thể nói rằng những động thái này lại một lần khẳng định quyết tâm chiến lược của Trung Quốc trong việc từng bước lợi dụng thời cơ để độc chiếm Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”, không những chỉ về phạm vi địa lý, địa chính trị, địa chiến lược mà cả về địa kinh tế mà nội dung cốt lõi là khống chế đường hàng hải, hàng không quốc tế qua Biển Đông, khai thác tài nguyên thủy hải sản, xí phần nguồn lợi dầu khí của các nước xung quanh Biển Đông tiến tới giành quyền khai thác nguồn dầu khí hiện tại và tương lai đang tiềm ẩn trong Biển Đông được đánh giá là rất có giá trị. Trước hết là họ nhằm vào Việt Nam, tiếp đến là các nước khác xung quanh Biển Đông”.
7 tàu Trung Quốc bao vây, đâm tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam tại gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép, ngày 23/6/2014. |
Là phóng viên đã từng tác nghiệp tại thực địa Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, chúng tôi hiểu và rất tin tưởng vào lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, họ luôn có kỷ luật và có khả năng kiềm chế rất cao.
Điều này TS Trần Công Trục cũng khẳng định: “Tôi tin rằng các lực lượng chức năng của chúng ta luôn luôn có các phương án cần thiết, thích hợp và khả thi để đối phó với mọi khả năng xảy ra. Chúng ta cũng đã chứng kiến một số hoạt động đó của các lực lượng chức năng trong thời gian qua, từ trang bị trang thiết bị, đến việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thực thi pháp luật, quân sự kể cả các cuộc tập luyện chung với một số nước trong khu vực và quốc tế…”
Chia sẻ bằng tâm trạng đầy tự hào, Ts Trần Công Trục nói: “Điều quan trọng là chúng ta tin tưởng rằng các lực này không đơn độc mà cả dân tộc này đang sát cánh kề vai, cả dân tộc này vẫn mãi mãi xứng đáng là hậu duệ của những anh hùng kiệt xuất đã từng làm nên những chiến thắng lẫy lừng từ Chi Lăng, Van Kiếp, Bạch Đằng Giang, Điện Biên Phủ… là hậu duệ của Giã Tượng, Yết Kiêu… những anh hùng gan dạ mưu trí trên sông nước từ thuở xa xưa cho đến bây giờ!”