Trung Quốc chính thức công nhận cúm H7N9 kháng thuốc Tamiflu
Hoạt động kinh doanh gia cầm tại Trung Quốc đã bị cấm hoàn toàn sau khi dịch bệnh H7N9 bùng phát |
Theo nghiên cứu của nhà khoa học Yuan Zhenghong tại Đại học Y Thượng Hải, trong số 14 ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 được điều trị và theo dõi tại Thượng Hải, việc sử dụng các loại thuốc kháng virus đã giúp giảm lượng virus trong thanh quản ngoại trừ 3 bệnh nhân.
Bản báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet hôm 29/5 chỉ ra rằng bệnh tình của cả 3 bệnh nhân kháng thuốc Tamiflu đã ngày càng nghiêm trọng hơn buộc các bác sĩ sử dụng phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể nhưng 2 người đã tử vong.
Bản báo cáo trên nhấn mạnh các trường hợp nhiễm cúm H7N9 kháng thuốc Tamiflu cần được quan tâm đặc biệt và kiểm soát chặt chẽ hơn đồng thời xây dựng phương án nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Wen Yumei – chủ nhiệm nhóm chuyên gia nghiên cứu phòng chống và ngăn ngừa virus H7N9 nhận định mặc dù thuốc Tamiflu có khả năng điều trị trên phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh song điều quan trọng là cần đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất loại thuốc mới chữa bệnh.
Cuối tháng Ba, Trung Quốc đã cho công bố những ca nhiễm cúm gia cầm H7N9 đầu tiên trên người. Tới hôm 28/5, giới chức y tế Bắc Kinh thông báo ca nhiễm cúm H7N9 thứ 2 tại thành phố, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 131 người với 37 bệnh nhân đã tử vong trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Trong một tuyên bố hôm 27/5, Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc một lần nữa lên tiếng xác nhận các nhà khoa học chưa phát hiện bằng chứng cho thấy cúm H7N9 có khả năng lây lan từ người sang người.