Trung Quốc càng “hung hăng” trên Biển Đông, Mỹ - Philippines càng thân thiết
Cách đây 21 năm vào tháng 11/1992, Quốc kỳ Mỹ được hạ xuống tại căn cứ hải quân Subic trước sự vui mừng của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Philippines và sự hoảng hốt của chính quyền Corazon Aquino khi đó.
Tàu tuần duyên lớp Hamilton, được Hải quân Philippines đặt tên mới là BRP Ramon Alcaraz, tiến vào cảng Subic, phía bắc Manila, Philippines hôm 6/8. |
Cách đây 2 năm, nhà thương thuyết Mỹ Richard Armitage đã đặt câu hỏi liệu chính quyền Philippines có nới rộng thời hạn cho thuê căn cứ Subic và căn cứ Clark, 2 căn cứu mà quân đội Mỹ đã sử dụng vào đầu những năm 1990 không.
Theo tác giả John Mcbeth, khi đó, tưởng rằng Manila sẽ gia hạn hợp đồng cho thuê 2 căn cứ trên, tuy nhiên cuối cùng thì ý kiến của dư luận Philippines đã thắng thế và người Mỹ phải rời quốc gia Đông Nam Á này.
Thế nhưng tới tháng 8/2013, báo chí liên tục đưa những dòng tin như “Mỹ, Philippines tiến hành các cuộc đàm phán tăng cường hiện diện quân sự cho Mỹ”. Điều này khiến dư luận nhớ lại câu nói nổi tiếng của cầu thủ bóng rổ huyền thoại của Mỹ Yogi Berra rằng “Biết ngay mà..”.
Có lẽ thời gian không làm thay đổi sự phức tạp của mối quan hệ Mỹ - Philippines và lí do chính là sự lớn mạnh của Trung Quốc và lối hành xử của nước này trên Biển Đông.
Các quan chức Philippines cho hay nước này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ tăng cường hiện diện quân sự “luân phiên” giúp quân đội Philippines, một trong những lực lượng vũ trang yếu nhất Đông Nam Á, có năng lực quốc phòng tối thiểu.
Sự hiện diện của các lực lượng vũ trang nước ngoài luôn là một chủ đề nhạy cảm ở Philippines, quốc gia một thời là thuộc địa của Mỹ, đánh dấu bắng quyết định lịch sử của Manila đóng cửa 2 căn cứ quân sự Subic và Clark vào tháng 9/1991.
Sau đó, Không quân Mỹ cho hay đã gạt bỏ căn cứ Clark và không quan tâm tới việc giành lại căn cứ này nữa. Nhưng việc mất căn cứ Subic, cảng nước sâu và là nơi đậu tàu và sửa chữa tàu lớn, là tổn thất lớn đối với Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ.
Mặc dù trong thập kỷ qua, các tàu chiến Mỹ vẫn được sử dụng căn cứ Subic, nhưng các cuộc đàm phán mới của hai nước cho thấy chính quyền Obama quyết tâm theo đuổi chiến lược “Trục châu Á” sau khi dấn sâu vào khu vực Trung Đông và Nam Á.
Hiến pháp Philippines không cho phép các lực lượng nước ngoài đóng quân vĩnh viễn ở nước này, nhưng thỏa thuận giữa Manila và Washington năm 1999 cho phép quân đội Mỹ có thể tạm thời đóng quân ở Philippines. Sau khi các cuộc tấn công khủng bố ở Philippines diễn ra vào năm 2001, khái niệm “tạm thời” đã dần trở nên linh hoạt hơn.
Trên thực tế, trong thập kỷ qua, Tư lệnh Tây Mindanao đã trở thành nơi hoạt động của Đội đặc nhiệm chung Mỹ- Philippines, lực lượng có nhiệm vụ giúp quân đội Philippines truy tìm các phiến quân Abu Sayyaf trên đảo Mindanao và quần đảo Sulu.
Đội đặc nhiệm chung Mỹ - Philippines bao gồm các lực lượng đặc nhiệm, biệt đội hải quân Seal, đội đặc nhiệm lính thủy đánh bộ và các đặc công không quân, có nhiệm vụ ngăn chặn nhóm Abu Sayyaf trở thành một chi nhánh Al Qaeda ở Philippines.
Nhưng các kế hoạch để hành động vẫn còn rất mơ hồ. Một nguồn tin thân cận với chương trình này nhận định rằng: “Việc cân nhắc về chính trị phức tạp hơn các quyết định quân sự rất nhiều”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng Philippines Albert F. Del Rosario tại Lầu Năm Góc ngày 2/4/2013. |
Kế hoạch “tái cân bằng” các lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được thực hiện với sự điều động luân phiên của 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tới các căn cứ ở phía bắc Australia, việc Mỹ điều động các tàu chiến canh tác cận bờ mới tới Singapore và kế hoạch mở rộng các căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam với chi phí 8 tỷ USD.
Hoa Kỳ không ngừng khẳng định rằng nước này không hề có ý định kiềm chế Trung Quốc, thế nhưng tổng tư lệnh các hoạt động không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Herbert Carlisle cho hay không quân sẽ mở rộng mạnh hiện diện tại khu vực.
Cụ thể, Không quân Mỹ sẽ điều số lượng lớn các máy bay quân sự thế hệ mới như F-22 Raptor và F-35 Lightning II và máy bay ném bom B-2 tới Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và Australia để thực hiện các cuộc diễn tập tăng cường khả năng hợp đồng tác chiến.
Các máy bay quân sự của Mỹ sẽ hoạt động tại căn cứ Tindal của Không quân Australia, ở phía nam Darwin, căn cứ không quân Changi của Singapore, căn cứ Nakhon Ratchasima ở Thái Lan và có thể là các căn cứ của Philippines ở điểm Cubi, khu vực nằm giữa Subic và Palawan.
Tướng Carlisle đã nói rõ rằng Không quân Mỹ không có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự nào ngoài 9 căn cứ mà Mỹ đã xây dựng ở Alaska, Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dư luận Philippines nổi tiếng là khó đoán trước nhưng một số nhà phân tích tin rằng lối hành xử gần đây của Trung Quốc khiến mức độ ủng hộ của dư luận Philippines đối với hiện diện của Mỹ ở nước này đang từ rất thấp sang tỉ lệ 50-50.
Quân đội Philippines đang tiếp nhận 3 tàu tuần duyên cũ của Lực lượng canh gác bờ biển Mỹ, trong đó 2 chiếc đã được chuyển giao và 12 chiến đấu cơ F-50 từ Hàn Quốc với tổng trị giá 440 triệu USD.
Nhưng với ngân sách quốc phòng chỉ ở mức 1,9 tỷ USD, và phần lớn ngân sách được dùng để trả lương và phụ cấp cho các quân nhân, dư luận chưa tin Philippines sẽ có khả năng đạt được mục tiêu năng lực quốc phòng tối thiểu mà nước này đặt ra.
Dựa dẫm vào “chiếc ô” quân sự của Mỹ là điều thuận lợi của Philippines nhưng điều đó cũng có các hạn chế. Được biết các quan chức Mỹ đã yêu cầu Manila hạ bớt luận điệu chống Trung Quốc. Đó có thể là lí do tại sao Tổng thống Benigno Aquino đã không nhắc tới cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong thông điệp quốc gia hồi tháng trước.