Trung Quốc 6 lần "đuổi" máy bay quân sự Philippines rời khỏi Biển Đông
Mặc dù, Phó Đô đốc Alexander Lopez, Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của Philippines không nói rõ khoảng thời gian Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo với Philippines. Song, chia sẻ với hãng tin Reuters, một quan chức không quân cấp cao của Philppines cho hay những lời cảnh báo này được Bắc Kinh đưa ra cách đây 3 tháng.
Theo vị quan chức giấu tên này, Trung Quốc có thể "đang tiến hành kiểm tra các vùng biển" để xem liệu họ có thể thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên không phận quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hay không.
Bức ảnh được quân đội Philippines công bố tố cáo Trung Quốc triển khai xây dựng trái phép tại một trong những hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. |
Những bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc còn đẩy nhanh tiến độ bồi đắp và xây dựng tại 7 bãi bá thuộc quần đảo Trường Sa với sự xuất hiện của một đường băng lớn. Hành động phi lý của Trung Quốc đã buộc các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ lên tiếng phản đối.
"Khi chúng tôi đang tiến hành các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông và hoạt động trong khu vực không phận quốc tế, lực lượng không quân của Philippines đã liên tục nhận được lời cảnh báo từ phía Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng máy bay của Philippines đã bay vào khu vực an ninh quân sự của nước này", Tướng Lopez nói.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng thường xuyên điều động tàu thuyền từ lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân tới quần đảo Trường Sa nhưng hiếm khi đưa máy bay tới đây bởi khu vực nằm cách xa đất liền Trung Quốc.
Hồi tháng trước, phát ngôn viên quân đội Philippines, Trung tá Harold Cabunoc cho biết một tàu chiến của Trung Quốc đã ngang nhiên yêu cầu một máy bay tàu tuần tra đường biển của Philippines hoạt động gần bãi đá Subi rời khỏi "không phận của Trung Quốc".
Ngay cả, Đô đốc Samuel Locklear, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cũng khẳng định Trung Quốc có thể triển khai hệ thống tên lửa và radar tới các tiền đồn để quây vùng đặc quyền kinh tế mà nước này đơn phương thiết lập trên Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng, Bắc Kinh cũng đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông giàu năng lượng và tổng giao dịch đường thủy mỗi năm qua đây đạt 5 ngàn tỷ USD.
Thậm chí, Trung Quốc còn ngang nhiên quay sang cáo buộc Philippines và một số quốc gia láng giềng tiến hành xây dựng trái phép trên Biển Đông cũng như những hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này không mang tính khiêu khích.
Theo Phó Đô đốc Lopez, Trung Quốc đã mở rộng diện tích tại 7 bãi đá chiếm đóng từ vài ngàn m2 thành các hòn đảo nhân tạo rộng 11 hecta. Trong đó, có 2 hòn đảo nằm ngay sát đảo Thị Tứ và bãi Cỏ Mây.
Hồi cuối năm 2013, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản và Mỹ khi đơn phương tuyên bố thiết lập "vùng nhận diện phòng không" trên khu vực biển Hoa Đông bao trùm không phận quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh mang tên Senkaku/Điếu Ngư.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.