Trung – Ấn rút quân khỏi biên giới tranh chấp để đổi lấy hợp tác kinh tế?
Hoạt động rút quân của binh sĩ Trung - Ấn sau 9 tháng căng thẳng ở biên giới nhiều khả năng vì 2 nước muốn nối lại quan hệ hợp tác kinh tế.
Trong suốt 9 tháng căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ đã điều động hàng chục ngàn binh sĩ, xe tăng và tên lửa tới "mặt đối mặt" ở vùng tranh chấp biên giới thuộc bang Ladakh trên dãy Himalaya.
Cũng trong khoảng thời gian này, hoạt động hợp tác kinh tế Trung - Ấn hoàn toàn bị đóng băng. Phía Ấn Độ từng tuyên bố một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quốc gia là tăng cường khả năng tự lực, trong bối cảnh New Delhi treo nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện và cơ sở hạ tầng, đồng thời cấm 267 ứng dựng di động của Trung Quốc.
Trước khi rơi vào cảnh tranh chấp biên giới căng thẳng, Trung – Ấn là hai đối tác kinh tế thân thiết. (Ảnh minh họa) |
Còn giờ đây, sau vòng đàm phán hạ nhiệt căng thẳng biên giới lần thứ 10, binh sĩ hai nước đã tiến hành rút quân và vũ khí. Câu hỏi đặt ra có phải Trung - Ấn quyết định hạ nhiệt căng thẳng để tiến tới tái hợp tác phát triển kinh tế?
Một trong những bằng chứng rõ nhất cho nhận định trên là việc chính phủ Ấn Độ được cho đang cân nhắc cấp phép cho ít nhất 45 trong tổng số 150 bản đề xuất đầu tư trị giá 2 tỉ USD từ phía các công ty Trung Quốc, theo thông tin được Reuters đăng tải hôm 22/2.
Tuy nhiên, một ngày sau đó tức hôm 23/2, chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh chưa cấp phép cho bất cứ đề xuất đầu tư nào của Trung Quốc, nhưng New Delhi cũng không phủ nhận việc đang xem xét các đề xuất này.
Các bản đề xuất đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ bị treo kể từ tháng 4/2020. Theo đó, New Delhi ban hành bộ luật mới nhấn mạnh, các khoản đầu tư nước ngoài từ các nước có chung đường biên giới với Ấn Độ phải được chính phủ nước này thông qua. Động thái này được cho nhắm tới các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Bởi trước đây, những khoản đầu tư bị coi là thuộc “lĩnh vực nhạy cảm” mới đòi hỏi phải được chính phủ Ấn Độ thông qua.
Một bằng chứng nữa là theo báo cáo của Bộ Thương mại Ấn Độ, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất và là nước nhập khẩu hàng hóa đứng đầu của Ấn Độ trong năm 2020.
Cụ thể, số liệu đăng trên trang web của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy từ tháng 1 – 11/2020, hoạt động thương mại Trung - Ấn đạt 52,45 tỉ USD, trong khi giá trị thương mại Mỹ - Ấn là 47,62 tỉ USD cùng kỳ.
Cũng theo các nhà phân tích Ấn Độ, một khi hoạt động thương mại Trung - Ấn được nối lại, các mối quan hệ thương mại sẽ thay đổi chưa từng có. Do đó, việc cấp phép các khoản đầu tư không thể chần chừ.
Ông R.S. Vasan, cựu Đại tá hải quân Ấn Độ nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Chennai nhận định, bằng việc kéo dài thời gian xem xét các đề xuất đầu tư từ Trung Quốc, chính quyền New Delhi muốn gửi đi thông điệp rằng, họ “lạc quan một cách thận trọng và sẵn sàng hợp tác làm ăn nhưng không đánh đổi lợi ích”.
“Ấn Độ đã đưa quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh chấp biên giới vào các lĩnh vực khác trong mối quan hệ với Trung Quốc như thương mại. Giờ đây dường như Ấn Độ cũng không thay đổi quan điểm này”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Vasan.
Một quan chức giấu tên tại Bộ Thương mại Ấn Độ đồng quan điểm với ông Vasan.
“Chúng ta sẽ không mất cảnh giác khi xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc. Thay vì ngăn chặn, chúng ta có cách tiếp cận thực tế để xem những khoản đầu tư nào không rơi vào danh mục ‘nhạy cảm’ và có thể được cấp phép”, quan chức Bộ Thương mại Ấn Độ cho hay.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, Ấn Độ đang phải chứng kiến tình trạng thất nghiệp tăng cao. Do đó, để vực dậy nền kinh tế, Ấn Độ dường như rất cần các khoản đầu tư và quỹ tài chính từ Trung Quốc.
Số liệu từ chính phủ Ấn Độ cho thấy khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức tăng 22% vào năm 2018, xuống còn 3,9% tính tới tháng 9/2020.
Phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc đổ vào những lĩnh vực khởi nghiệp bùng nổ ở Ấn Độ. Báo cáo hồi năm ngoái của Viện Gateway House tại Mumbai cho thấy, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ số tiền khoảng 4 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ và ít nhất 18 trong tổng số 30 doanh nghiệp được gọi là “kỳ lân” ở Ấn Độ nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc trong vòng 5 năm qua.
“Nhiều doanh nghiệp có thể trở thành gã khổng lồ trong tương lai. Do đó, chỉ cần một khoản tiền nhỏ, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng có thể thu được lời lớn và tầm ảnh hưởng”, ông Amit Bhandari, nhà nghiên cứu tại Viện Gateway House chia sẻ.
Ông Bhandari nhấn mạnh thêm, các công ty khởi nghiệp Ấn Độ “vẫn tiếp tục tăng được vốn trong năm ngoái”, khoảng thời gian mà các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút lui. Điều này chứng minh thị trường Ấn Độ “sẽ không sụp đổ” dù thiếu Trung Quốc.
Cũng theo ông Bhandari, hợp tác với các công ty Trung Quốc khiến chính quyền New Delhi gặp phải vấn đề đặc biệt.
“Rất khó để tìm được một công ty Trung Quốc hoàn toàn độc lập mà không liên quan tới hoạt động kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. New Delhi sẽ phải xác định những lĩnh vực không muốn có sự hiện diện của Trung Quốc”, ông Bhandari cho hay.
Trung Quốc lần đầu hé lộ số binh sĩ tử vong sau xung đột biên giới với Ấn Độ
Trung Quốc lần đầu tiên lên tiếng xác nhận số binh sĩ tử vong sau đụng độ ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ vào năm ngoái.
Minh Thu (lược dịch)