Trữ lượng thủy sản của biển Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
Hỏi: “Từ khi còn cắp sách tới trường, tôi đã được dạy, biển Việt Nam rất giàu có, không chỉ là dầu khí, mà còn nguồn lợi thủy sản. Thực tế, những người dân ven biển đã bao đời bám biển, biển đã nuôi sống bao thế hệ từ khai thác thủy sản. Vậy mong Quý báo cho biết trữ lượng thủy sản hiện nay là bao nhiêu?”- Độc giả Nguyễn Thị Mai (Văn Yên- Yên Bái)
Trả lời: Theo Báo điện tử Chính phủ, thống kê mới nhất của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), trữ lượng cá nổi nhỏ ước tính trung bình khoảng 2,65 triệu tấn, cá nổi lớn khoảng 1,03 triệu tấn; hải sản tầng đáy khoảng 487.000 tấn; còn lại là các loài giáp xác, cá rạn san hô.
Trữ lượng nguồn hải sản ước tính ở vùng biển vịnh Bắc Bộ khoảng 750.000 tấn; vùng biển Trung Bộ là 712.000 tấn; vùng biển Đông Nam Bộ 1.141.000 tấn, vùng biển Tây Nam Bộ 610.000 tấn và vùng giữa Biển Đông là 1.036.000 tấn. Trong khi đó, khả năng khai thác ước khoảng 1,75 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoc học, kết quả nghiên cứu trên chưa phản ánh được toàn diện nguồn lợi hải sản biển của Việt Nam. Trữ lượng một số nhóm, loài (chẳng hạn như nhóm thân mềm) chưa được nhắc tới, và các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện ở vùng biển gần bờ (từ độ sâu 200m trở vào)...
Một tài liệu khác do Ban Tuyên giáo Trung ương công bố, ước đoán, trữ lượng nguồn lợi hải sản trên toàn vùng biển Việt Nam ước tính gần đây khoảng 5,0 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,3 triệu tấn/năm.
Nguồn lợi cá nổi nhỏ chiếm khoảng 51%, cá nổi lớn chiếm khoảng 21%, cá đáy và hải sản sống đáy chiếm khoảng 27% tổng trữ lượng nguồn lợi. Ngoài ra, đến nay đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, cũng như các bãi tôm quan trọng ở vùng biển gần bờ thuộc vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ.
Theo sách 100 câu Hỏi – Đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương, do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, vùng biển Việt Nam là một trong những khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới và có tính đa dạng sinh học cao. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 2.458 loài cá thuộc 206 họ và nhiều loài hải sản khác ngoài cá, trữ lượng nguồn lợi hải sản biển nước ta ước tính khoảng 4,18 triệu tấn (không tính trữ lượng mực, tôm biển, các loài động vật đáy và rong biển sống ở vùng triều ven bờ).
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng sản phẩm thủy sản không ngừng gia tăng, đặc biệt là sản lượng khai thác: năm 1986 sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 0,8 triệu tấn, năm 1995 là 1,19 triệu tấn, năm 2005 là 1,99 triệu tấn và năm 2007 là 2,06 triệu tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu từ khai thác thủy sản cũng không ngừng gia tăng: năm 2000 giá trị xuất khẩu từ khai thác thủy sản đạt 14.737 tỷ đồng, năm 2005 đạt 22.771 tỷ đồng và năm 2007 đạt 28.687 tỷ đồng.
Tàu cá Việt Nam (Ảnhfistenet.gov.vn) |
Những năm gần đây, việc gia tăng cường lực khai thác cùng với sự cải tiến kỹ thuật, phương tiện khai thác ngày càng hiện đại, hiệu quả đánh bắt cao hơn đã làm cho nguồn lợi hải sản giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là ở vùng biển ven bờ. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2005, khoảng 36 chuyến điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi hải sản bằng các phương pháp khác nhau đã được thực hiện ở các vùng biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nguồn lợi hải sản giữa các mùa và giữa các năm biến động khá lớn.
Nhìn chung, năng suất đánh bắt hải sản ở mùa gió Tây Nam cao hơn so với mùa gió Đông Bắc và năng suất khai thác ở vùng biển xa bờ cao hơn so với vùng biển ven bờ. Ngư trường khai thác hải sản trong mùa gió Đông Bắc có xu thế dịch chuyển về phía Nam so với các ngư trường trọng điểm ở mùa gió Tây Nam.
Đặc trưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta là quanh năm đều có cá đẻ, nhưng thường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nước ta thường phân đàn nhưng không lớn: đàn cá nhỏ dưới 5 x 20 m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500 m - chỉ chiếm 0,1% tổng số đàn cá.
Chính vì thế, nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ. Tiềm năng nguồn lợi hải sản như vậy đã cung cấp tiền đề quan trọng, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản vững mạnh. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thủy sản khai thác đã được cung cấp từ vùng biển ven bờ và vùng nước lợ ven biển, đã đáp ứng một lượng protein quan trọng cho người dân. Năm 2011, khai thác thủy sản biển đạt trên 2,0 triệu tấn, cùng với nuôi trồng nước lợ và cá tra, basa đã góp phần đưa ngành thủy sản nước ta đạt mốc kim ngạnh xuất khẩu khoảng trên 6,0 tỷ USD.