Trợ lý ảo giúp giải quyết các vụ án kinh tế - xã hội chính xác hơn
10 năm qua, quy mô dân số và quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng nhanh (tăng thêm gần 11 triệu người và GDP tăng gấp 2,4 lần). Trong khi đó, nhiều vấn đề xung đột xã hội chưa được quan tâm giải quyết đồng bộ đã kéo theo sự gia tăng mạnh các loại tội phạm, tranh chấp và khiếu kiện, nhất là các tội phạm phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia và các loại tranh chấp mới.
Sự ra đời và phát triển nhanh chóng của kinh tế số, kinh tế chia sẻ đã làm phát sinh nhiều loại tranh chấp chưa từng xảy ra trước đây, đặt ra nhiệm vụ cho Tòa án phải theo kịp xu thế và giải quyết kịp thời.
Cùng với đó, xu thế mở rộng thẩm quyền, tăng thêm nhiệm vụ cho Tòa án cũng góp phần dẫn tới thực trạng số lượng vụ việc Tòa án phải giải quyết hàng năm tăng trung bình 8%.
“Số lượng vụ việc Tòa án giải quyết năm 2020 gấp hơn 3 lần so với năm 2005 và gần gấp 2 lần so với năm 2012. Yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án ngày càng cao. Nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp đặt ra cho hệ thống Tòa án nhân dân trọng trách lớn, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao uy tín trước nhân dân, thực sự là chỗ dựa của người dân trong bảo vệ công lý”, đại diện Tòa án nhân dân Tối cao cho biết.
Với số lượng vụ việc cần giải quyết hàng năm lớn và tăng nhanh, trong khi biên chế nhân sự của thẩm phán các cấp chưa được mở rộng, hệ thống tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng ngày càng chịu các áp lực công việc và trách nhiệm nặng nề.
Thẩm phán các cấp với tuổi đời, tuổi nghề khác nhau cũng có kinh nghiệm, tri thức tích lũy khác nhau. Việc chia sẻ hay chuẩn hóa tri thức còn rất hạn chế, mang tính chất cục bộ trong hệ thống. Vì vậy, nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng các vụ án có cùng tình huống pháp lý giống nhau nhưng việc áp dụng luật và ra quyết định, bản án chưa đồng nhất trong toàn hệ thống.
Để nâng cao hiệu quả và chất lượng của Tòa án, tòa án điện tử nói chung hay trợ lý ảo nói riêng ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến cần được ứng dụng mạnh mẽ để hỗ trợ thẩm phán giải quyết các vụ án chính xác hơn.
Cũng theo đại diện Tòa án nhân dân tối cao, hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa vào sử dụng trợ lý ảo cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ thẩm phán. Trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7, luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ nói hoặc chữ viết thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân, đảm bảo tính nhanh chóng, tiện ích. Trợ lý ảo được kỳ vọng là điểm sáng của nền tư pháp trong thời đại 4.0.
Nhờ việc đồng bộ giữa tri thức áp dụng pháp luật, tri thức tố tụng và quy trình xử lý án, hiện nay, trợ lý ảo không chỉ hỗ trợ thẩm phán lập các kế hoạch xử lý vụ việc mà trong từng vụ việc, vụ án cụ thể cần giải quyết, thẩm phán có thể nắm bắt nhanh về tình trạng bước xử lý hiện tại cũng như chỉ dẫn thực hiện theo quy trình tố tụng.
“Trợ lý ảo có thể chỉ dẫn cụ thể cho thẩm phán danh sách các công việc cần phải thực hiện và các văn bản liên quan, biểu mẫu liên quan để hoàn thành công việc đó. Việc chỉ dẫn chi tiết cùng khả năng trợ giúp tự động điền biểu mẫu tố tụng, tự động mã hóa và công bố bản án giúp cho thẩm phán hạn chế tối đa được các sai sót về mặt tố tụng, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc. Ngay trong phiên xét xử vụ án, thẩm phán và hội đồng xét xử có thể điều hành phiên tòa theo các bước mà trợ lý ảo đưa ra, có thể trích dẫn chính xác các văn bản, điều luật trong toàn bộ quá trình xét xử”, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết thêm
Xuân Bách