Triều Tiên đón “búa rìu” dư luận vì kế hoạch thử hạt nhân
Kim Sook, đặc phái viên của Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc, cho rằng có thể đây sẽ là vụ thử “rất lớn” và bất kỳ vụ nổ hạt nhân nào cũng sẽ là “một nỗ lực nguy hiểm nhằm làm giảm quyền thế và uy tín của Hội đồng Bảo an”.
Vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các lệnh cấm vận mới trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử tên lửa hồi tháng 12/2012. |
Phát biểu trước các phóng viên tại trụ sở Liên Hợp Quốc, ông Kim cho rằng 15 thành viên của Hội đồng Bảo an “thống nhất cùng có quan điểm rất cứng rắn và kiên quyết. Tôi hi vọng sẽ có biện pháp cứng rắn và mạnh mẽ (dành cho Triều Tiên)”.
“Chúng ta không thể cứ ngồi không và không làm gì trước một hành động khiêu khích khủng khiếp như vậy của Triều Tiên”, đặc phái viên Hàn Quốc nói thêm.
Triều Tiên đã tuyên bố rằng nước này sẽ tiến hành một vụ thử và các chuyên gia dự đoán rằng vụ thử này sẽ diễn ra trước Tết Nguyên Đán (ngày 10/2) hoặc vào thời điểm trùng với ngày sinh nhật của cố chủ tịch Kim Jong Il (ngày 16/2).
Hôm 3/2, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng cảnh cáo Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân mà chính quyền Obama và các chính quyền tiền nhiệm không thể ngăn chặn dù đã áp đặt hàng loạt các lệnh cấm vận cũng như đưa ra vô số lời đe dọa.
Ông Kerry kêu gọi Triều Tiên dừng lại “hành vi khiêu khích” của mình nếu không sẽ đối mặt với “những hậu quả to lớn từ cộng đồng quốc tế”.
Trong khi đó, các quan chức Nhật Bản và Nga cũng bày tỏ lo ngại về kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên.
Hôm qua, Thứ trưởng ngoại giao Nhật Chikao Kawai đã gặp Thứ trưởng thứ nhật Bộ Ngoại giao Nga Andrei Denisov tại Mátxcơva. Trong cuộc họp này, cả hai bên nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ để kiềm chế Triều Tiên về chương trình hạt nhân.
Hôm 29/2, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kêu gọi cộng đồng quốc tế có “các biện pháp nghiêm khắc” nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba. Ông Abe cho rằng Triều Tiên sẽ không đạt được điều gì từ hành động khiêu khích như vậy.
Trung Quốc, đồng minh lớn và duy nhất của Triều Tiên, đang đối mặt với cuộc thử nghiệm to lớn về mặt ngoại giao trước kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên.
Tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn lời nhà nghiên cứu Jeung Young-tae cho rằng Trung Quốc phải có hành động cụ thể để hiện thực hóa lời phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên. “Trước nguy cơ diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Bắc Á sau vụ thử hạt nhân (mới có thể sắp diễn ra của Triều Tiên), Trung Quốc phải thể hiện vai trò là nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong khu vực giúp chuyển hướng triển vọng nguy hiểm đó trong khu vực”, ông Jeung nói.
Tuy nhiên, một quan chức Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc cho rằng Seoul nhận thức rõ rằng Triều Tiên hiếm khi nghe lời khuyên giải của Bắc Kinh. Hàn Quốc chỉ mong Trung Quốc đứng về phía các nước khác trong bàn đàm phán 6 bên để gửi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên.
“Đây là cuộc thử nghiệm to lớn về mặt ngoại giao đối với Trung Quốc”, Zhang Liangui, giáo sư về vấn đề bán đảo Triều Tiên tại Trường Đảng Trung Quốc.
Trung Quốc đã đe dọa cắt viện trợ cho Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng khăng khăng tiến hành vụ thử hạt nhân mới. Tuy nhiên, trong những ngày qua, Triều Tiên vẫn có những động thái thể hiện sự quyết tâm tiến hành vụ thử này.
Theo ông Zhang, nếu Trung Quốc không thể thuyết phục Triều Tiên từ bỏ kế hoạch thử nghiệm hạt nhân mới hoặc không đe dọa thực hiện ngay các lệnh cấm vận nghiêm khắc đối với Triều Tiên sau vụ thử thì Trung Quốc sẽ mãi mãi mất cơ hội đóng vai trò quan trọng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tất cả những nỗ lực trước đó nhằm giảm trừ hạt nhân trên báo đảo này đều trở nên vô ích.