Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012
Tuy nhiên, những vấn đề nóng của kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài, tỷ giá... chưa thực sự được cải thiện. Do đó, áp lực khó khăn với năm 2012 là khá lớn, đặt chúng ta trước những nỗ lực không ngừng để vượt qua.
Có thể nói, bài toán đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam lúc này là cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cấu trúc và cải cách toàn diện trong ít nhất 2 năm 2012- 2013 trước khi tiếp tục thực hiện mục tiêu của kế hoạch 5 năm.
GSTS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam đã đưa ra nhận định:
Mục tiêu của kế hoạch 2012- 2013 là giảm lạm phát, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu và cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu chi ngân sách (theo hướng giảm thu và giảm chi ngân sách), cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, đầu tư, cắt giảm biên chế hành chính... Ưu tiên ngắn hạn là phải kéo lạm phát xuống nhanh dưới 7% trong năm 2012, không nên đặt mục tiêu GDP cao từ 6% - 6,5%.
Theo các chuyên gia kinh tế trong năm 2012 về cơ bản vẫn phải duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh, kiến nghị:Trong hàng loạt các giải pháp để kiềm chế lạm phát và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 các vấn đề cần được ưu tiên triển khai ngay là cấu trúc lại đầu tư công; tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính, tín dụng phi ngân hàng; cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mảng phân phối nội địa.
Đã tới lúc không phải cái gì xuất khẩu được là xuất, không chạy theo kim ngạch mà phải tính toán giá trị nội địa hóa trong cơ cấu giá trị xuất khẩu và sử dụng nguồn lực.
Để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2012 cần phát triển trên 3 trụ cột đó là thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đảm bảo cho tốc tộ tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong giai đoạn hiện nay bởi đây là điều căn bản cho sự ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, đề xuất: Về dài hạn là tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế về tầm nhìn và quy hoạch chiến lược quốc gia, từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để giải quyết căn cơ những vấn đề kinh tế đang đặt ra trong bài toán phát triển. Tái cơ cấu hệ thống phân bổ nguồn lực và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế chính là nền tảng để giải quyết căn bệnh lạm phát cao tái diễn nhiều năm qua.
Theo voh.com.vn