Trẻ bóc kẹo ăn, nhét nilon vào mũi và lời khuyên của chuyên gia
Bé 34 tháng tuổi được bố mẹ cho tự chơi, tự bóc kẹo ăn. Trước khi vào viện 2 ngày, bé quấy khóc, chảy nước mũi lẫn nhầy máu…
Nilon nằm sâu trong mũi bệnh nhi |
Sáng 8/6, Phòng khám chuyên khoa Tai-mũi-họng Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, tiếp nhận bé gái T.Y.N 34 tháng tuổi, trú tại huyện Thạch An, Cao Bằng được đưa đến khám với các biểu hiện: Nước mũi chảy kèm theo máu, đau nhức mũi, nghẹt mũi, quấy khóc.
Theo người nhà kể cháu tự chơi ở nhà thường tự bóc kẹo ăn, trước khi vào viện 2 ngày thấy cháu quấy khóc nhiều hay chảy nước mũi lẫn nhầy máu người nhà đưa đến viện khám.
Sau khi kiểm tra và thăm khám các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi bên trái, tiến hành nội soi tai - mũi - họng phát hiện có khối dị vật nằm sâu trong hốc mũi trái. Tiến hành gắp dị vật, các bác sĩ gắp được dị vật cứng dạng ni lông (vỏ kẹo- PV) kích thước khoảng 1cm. Sau khi gắp dị vật, bệnh nhi được bơm rửa mũi sau khi làm thủ thuật cháu thấy đỡ đau nhức, dễ thở hơn.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ nhét dị vật vào mũi. Trước đó, vào tháng 2, Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ cũng phải cấp cứu bé 4 tuổi nhét pin đồ chơi vào mũi khiến toàn bộ niêm mạc bị phá huỷ.
Theo bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Cần Thơ, bệnh nhi 4 tuổi, ở huyện Trà Ôn, Vĩnh Long được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng chảy máu mũi một bên. Trước khi nhập viện một ngày, mẹ của bé phát hiện con bị chảy dịch vàng lẫn máu bên hốc mũi phải kèm nghẹt mũi nên người nhà đưa bé đi bệnh viện kiểm tra.
Sau khi thăm khám, nội soi tai mũi họng và chụp X-quang, các bác sĩ đã phát hiện dị vật là pin dạng cúc áo nằm rất sâu trong hốc mũi phải bé. Đáng ngại hơn, axit của pin đang gây phá hủy niêm mạc hốc mũi và vách ngăn mũi.
Các bác sĩ cho biết, dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng và rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Khi chơi trẻ thường nghịch ngợm nhét những vật vào mũi như vỏ kẹo ni lông, nút nhựa, khuy áo, hạt lạc, hạt đậu... gây ra dị vật ở mũi.
Tai nạn này hay gặp ở trẻ nhỏ từ 2 - 6 tuổi vì ở độ tuổi này trẻ thường hiếu động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng lại chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra.
Các Bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng khuyến cáo, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường như khó thở, chảy nước mũi nhiều và đặc biệt kèm chảy máu cha mẹ hãy kiểm tra xem trong mũi bé có gì lạ hay không.
Nếu phát hiện trẻ có dị vật mũi, người lớn nên hỏi nhẹ nhàng, không nên quát mắng trẻ, có thể bịt bên mũi không có dị vật rồi cho trẻ xì mũi mạnh, nếu dị vật nhỏ có thể ra được.
Với những dị vật lớn ở sâu bên trong hốc mũi các bậc phụ huynh tuyệt đối không lấy que, nhíp để gắp dị vật đây là một việc làm hết sức nguy hiểm vì có thể làm cho dị vật rơi xuống cửa mũi sau vào đường thở gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Nếu phát hiện trẻ bị dị vật trong mũi cần đến khám chuyên khoa Tai - mũi - họng của cơ sở khám chữa bệnh uy tín, trang thiết bị đầy đủ để được gắp dị vật càng sớm càng tốt, tránh để muộn lấy sẽ khó khăn hơn và gây biến chứng viêm mũi.
Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào mũi và tai là việc rất dễ gặp trong đời sống thông thường. Vì vậy, để hạn chế những tai nạn do dị vật gây ra, bố mẹ hãy rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không; luôn chú ý quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa. Cách tốt nhất là bạn nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào tai hay mũi mình là việc xấu, bé không được làm thế; Luôn hỏi han bé xem bé có khó chịu gì khi đi học về hay đi chơi về hay không.
Ngoài ra, cha mẹ nên dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi là việc xấu, trẻ không được làm vậy.
N. Huyền