Trẻ bị bạo hành, bị xâm hại: Luật sư tiếp xúc cần lưu ý điều gì?
Trao đổi với phóng viên Infonet, Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, việc thực hiện bảo vệ quyền trẻ em ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên số lượng một số vụ án bạo hành trẻ em gia tăng. Thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so quý I/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi...; Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so cùng kỳ năm 2021).
Trong năm 2022, Luật sư Bích Hảo đã tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí bảo vệ 3 vụ án hình sự có nạn nhân là trẻ em do Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phân công.
Trong đó có vụ án cố ý gây thương tích dẫn đến chết người của bé Hà An 6 tuổi tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
“Tại phiên xét xử, tôi đã đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo do bị hại là trẻ em – đối tượng được bảo vệ đặc biệt và đã được hội đồng xét xử chấp thuận. Trong vụ việc trên, bị hại đã mất, người phạm tội lại là bố ruột của bị hại. Luật sư chú trọng vào việc vừa khai thác thông tin, chứng cứ bảo vệ trẻ em đồng thời cũng chú ý đến hoàn cảnh gia đình của cháu bé để có đề xuất pháp lý phù hợp”, Luật sư Bích Hảo nêu.
Gần đây nhất là vụ việc cháu Đỗ Trung Kiên bị bạn đánh chết tại Thôn 1 xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội vào ngày 29/5/2022.
Luật sư Bích Hảo cho hay vì cháu Kiên còn quá nhỏ, khi mất cháu mới 10 tuổi, lại là con trai duy nhất trong nhà nên bố mẹ cháu rất đau lòng.
Khi mới tiếp xúc với luật sư, gia đình cháu bé có phản ứng rất gay gắt về vụ việc. Nắm bắt được tâm lý của gia đình bị hại, trước hết luật sư đã tư vấn pháp luật, động viên gia đình bị hại.
Sau đó, luật sư bắt đầu khai thác thông tin vụ việc, thu thập chứng cứ vụ án một cách khéo léo, tạo không khí làm việc nhẹ nhàng để gia đình bị hại dễ dàng trong việc thu thập thông tin vụ việc và cung cấp thêm các chứng cứ.
Qua quá trình tham gia các vụ án bảo vệ bị hại là trẻ em, luật sư Bích Hảo nhận thấy một số gia đình bị hại sẽ kêu cứu ở nhiều cơ quan, thực hiện việc khiếu nại nhiều nơi, không có định hướng rõ ràng.
“Việc này sẽ gây khó khăn trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Vì vậy, khi làm việc với gia đình bị hại, Luật sư cần có những định hướng công việc cụ thể, giải thích cho gia đình bị hại biết trình tự tố tụng, nên thực hiện theo các bước nào để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.
Hướng dẫn cho gia đình bị hại nên làm gì khi làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng. Khi bảo vệ trong các vụ án trẻ em bị xâm hại cần vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em”, Luật sư Bích Hảo nhấn mạnh.
Qua thực tiễn tham gia các vụ án có nạn nhân là trẻ em, Luật sư Bích Hảo nhận thấy rõ tâm lý người nhà và nạn nhân thường e ngại, xấu hổ, mặc cảm, thiếu hiểu biết về mặt pháp luật.
Hơn thế nữa, một số gia đình nạn nhân có thỏa thuận dân sự với các đối tượng không thành mới tố cáo, hoặc tâm lý của trẻ em bị sang chấn, chưa ổn định ảnh hưởng đến việc khai báo việc thu thập chứng cứ rất khó khăn.
“Vì vậy, cần có kỹ năng để tránh tình trạng tái tổn thương đối với trẻ em và gia đình bị hại. Thực tế có thấy, hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại bao gồm cả xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột,… là trẻ sẽ bị tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hoà nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khoẻ thể chất.
Các em thường rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. Nhiều trường hợp, các em không dám kể với người khác, tố cáo đối tượng phạm tội một phần do xấu hổ, một phần khác do bị đe dọa dẫn tới gánh nặng tâm lý ngày càng nghiêm trọng.
Vì thế, trong quá trình giải quyết vụ việc, tiếp xúc với nạn nhân là trẻ em và gia đình bị hại luật sư cần trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để tiếp cận với nạn nhân là trẻ em, gia đình bị hại một cách khéo léo, tránh việc tái tổn thương xảy ra ở nạn nhân nhưng vẫn có thể thu thập được các thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình làm việc.
Khi tiếp xúc với nạn nhân là trẻ em, điều quan trọng là tránh ngôn ngữ phức tạp không cần thiết hoặc câu hỏi dài dòng. Theo đó, khi hỏi trẻ em cần hỏi những câu rõ ý để trẻ em trả lời đúng, sử dụng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu mà ở nhà ông bà, bố mẹ hay dùng để trao đổi với trẻ”, luật sư Bích Hảo chia sẻ.
Bà cũng cho rằng trong quá trình tham gia bảo vệ quyền lợi cho trẻ với vai trò luật sư bà luôn quan tâm đến những biểu hiện của trẻ như: Nép và bám chặt vào cha mẹ, không dám nhìn người lạ, òa khóc khi gặp người lạ,…. để có phương pháp tiếp cận trẻ phù hợp khi lấy lời khai của các em ngay từ những lần đầu tiên, tạo cho các em có cảm giác yên tâm, thân thiện mà tự bộc bạch, khai báo, giãi bày suy nghĩ.
N. Huyền