Trao quyền kinh doanh và nâng cao năng lực xuất khẩu của DN cho phụ nữ
Nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, UPS (doanh nghiệp hàng đầu thế giới về logistics) thông báo ra mắt chuỗi hội thảo nâng cao năng lực cho các nữ doanh nhân tại Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Chương trình được phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và dự án SheTrades của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC).
Theo nghiên cứu của Liên Hiệp quốc, kìm hãm sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động đang khiến khu vực Châu Á Thái Bình Dương chịu tổn thất ở mức dự đoán 89 tỷ USD mỗi năm.
Dù số liệu cho thấy khu vực đã có những bước tiến dài về vai trò quản lý doanh nghiệp của phụ nữ khi phụ nữ sở hữu 59% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, doanh nghiệp của họ có xu hướng chỉ tập trung hoạt động ở những lĩnh vực giá trị thấp.
Dự án Nhà Xuất Khẩu Nữ của UPS - ITC SheTrades -được tổ chức tại Hà Nội. |
So với doanh nghiệp làm chủ bởi nam giới, doanh nghiệp của phụ nữ dường như không có định hướng kinh doanh quốc tế trong việc mở rộng quy mô ra nước ngoài cũng như gia nhập chuỗi cung ứng thuộc khu vực và trên toàn thế giới.
Đặc biệt tại Việt Nam, có gần một phần ba các doanh nghiệp đăng ký giấy phép kinh doanh do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này thường khó nâng tầm doanh nghiệp vi mô lên mức vận hành lớn hơn.
Ông Russell Reed, Giám đốc điều hành của UPS Việt Nam và Thái Lan tham dự tại hội thảo chia sẻ: “Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo chiếm một phần không nhỏ trong số các doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết trong việc để phụ nữ có cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho phép họ phát huy hết khả năng của mình.”
Chuỗi hội thảo là một phần thuộc Dự án Nhà xuất khẩu nữ (WEP) của UPS, một sáng kiến toàn cầu với mục tiêu tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ qua việc trang bị kiến thức và kỹ năngđưa sản phẩm của doanh nghiệp vượt ranh giới trong nước, xuất khẩu khắp toàn cầu, và tăng trưởng thị phần. Dự án thực hiện điều này qua 3 hướng tiếp cận gồm:
Xây dựng khung năng lực qua các buổi hội thảo gặp mặt trực tiếp và trực tuyến, đào tạo nữ chủ doanh nghiệp và cán bộ doanh nghiệp về các quy định hải quan, các quy trình của chuỗi cung ứng, các hiệp định thương mại và các cơ hội xuất khẩu;
Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp qua việc hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, đồng thời tận dụng danh mục sản phẩm toàn diện của UPS tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội tiếp cận thị trường và thâm nhập vào các ngành công nghiệp đang có nhu cầu tiêu thụ cao, phù hợp với kỹ năng và điều kiện của doanh nghiệp;
Thực thi khung pháp lý qua việc tham gia các cuộc thảo luận về rào cản chính sách phân biệt đối xử phụ nữ đang có ý định xuất khẩu, đồng thời đặt mục tiêu tạo dựng một môi trường pháp luật thuận lợi cho sự tăng trưởng xuất khẩu lớn mạnh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.