Trái ngọt đầu của dự án “Đưa Internet về làng”
Hữu Lũng – Lạng Sơn những ngày cuối năm. Vùng quê miền biên ải này như tưng bừng hơn bởi nơi đây được Quỹ Cộng đồng Internet Việt Nam (VNIF) chính thức chọn làm địa điểm khởi động dự án “Đưa Internet về làng”. Với slogan “Kết nối cộng đồng – Sẻ chia tri thức”, dự án “Đưa Internet về làng” mong muốn kết nối được nhiều tình nguyện viên, các bạn sinh viên, các đơn vị tài trợ và cộng đồng người sử dụng Internet Việt Nam, để cùng nhau đem lại cuộc sống Internet tới những địa phương còn chưa có điều kiện tiếp cận, tạo cơ hội cho những người dân nông thôn được hưởng lợi ích từ những kiến thức, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông do Internet mang lại...
Ngày 12/1/2012, Hà Nội lạnh thấu da bởi những đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường nhưng không ngăn nổi bầu nhiệt huyết của 15 thành viên trong đoàn. Đúng 6h sáng, cả đoàn lên xe tiến đến vùng đất mà nhiệt độ nơi đây có lúc xuống đến dưới 10 độ C - xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng. Vượt gần 100km, đoàn cũng đến điểm tập kết lúc 8h sáng. Rất nhanh chóng, các thành viên của đoàn - người lo tài liệu, người lo kiểm tra máy móc, trang biết bị để công việc chính có thể được triển khai nhanh.
Dự án “Đưa Internet về làng" được bắt đầu tại 2 xã Yên Bình - Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. |
Bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi – Giám đốc Quỹ VNIF cho biết: Dự án “Đưa Internet về làng" được bắt đầu tại 2 xã Yên Bình - Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn bao gồm những nội dung như trao tặng và lắp đặt 20 máy tính cho huyện Hữu Lũng, trong đó phân bổ 04 máy về Ủy ban nhân dân huyện, 16 máy về trường THCS Yên Bình và trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tân Lập; Hướng dẫn kĩ năng, kiến thức, chia sẻ về máy tính và Internet cho 80 giáo viên và học sinh trường THCS Yên Bình và trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tân Lập. Thông qua chương trình này, Quỹ VNIF mong muốn giáo viên và học sinh xã Yên Bình đón một mùa xuân mới với niềm vui được sử dụng máy tính đồng bộ và tiếp cận tốt hơn với Internet, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy và học tập nơi đây.
2 ngày với bộn bề công việc, với những bài giảng tưởng chừng rất đơn giản như cách bật máy tính, làm quen với chuột máy tính, cách tạo lập file lưu trữ dữ liệu, cách soạn thảo và gửi thư điện tử, cách truy cập tìm kiếm thông tin trên mạng Internet... nhưng những ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác, những mong mỏi có bài giảng điện tử của các thầy cô, những bàn tay ngượng nghịu rê chuột đã làm ấm lòng những thành viên của dự án.
Đinh Huyền, một thành viên của đoàn cho biết: "Trải qua những quãng đường dài và mệt mỏi, đến với Hữu Lũng vào một buổi sáng thứ 7 rét buốt, cảm nhận cái lạnh của xứ Lạng - cái giá rét khác xa với những gì mà tôi đã từng trải qua! Nhưng trong cái lạnh giá ấy cái mà chúng tôi cảm nhận được là tình cảm ấm áp mà cán bộ và người dân nơi đây dành cho mình, là mong muốn được tiếp cận với công nghệ được phát triển của thầy cô, là sự ham học hỏi của những học trò nhỏ ở mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Những ánh mắt thân thiện, những nụ cười cởi mở ấy như hằn sâu vào tâm trí tôi và sẽ trở thành một phần kí ức mà tôi không sẽ không thể nào quên".
Còn Thùy Linh – một tình nguyện viên của dự án đã không dấu nổi cảm xúc khi gặt hái được nhưng thành quả bước đầu sau bao ngày nhen nhóm lên ý tưởng cho dự án, chuẩn bị các tư liệu, bài giảng cho biết: "Suốt 1 chặng đường dài, những tháng ngày ấp ủ cho dự án "Đưa Internet về làng", 2 ngày vừa rồi chúng tôi đã thực sự như vỡ òa trong cảm xúc. Cái lạnh của gió vùng cao, cái khô nẻ của một chút nắng giữa mùa đông đã đồng hành và thôi thúc chúng tôi... Con người thân thiện, chân thành, mộc mạc và bình dị đã giúp chúng tôi mở lòng hơn, hăng say và quyết tâm hơn. Nhìn những ánh mắt của các em nhỏ, những cử chỉ rụt rè, những cái lắc đầu vội vàng mỗi khi chúng tôi hỏi. Sau những bài hát, những điệu múa của các anh chị, không khí lớp học đã dễ thở hơn, các em tương tác nhiều hơn và không quên chia sẻ: "Ước gì ngày nào anh chị cũng tổ chức cho các em chơi thế này". Còn gì hạnh phúc hơn, những tâm huyết ấp ủ bao ngày giờ đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiên. Những ánh mắt ấm áp, những cái nắm tay siết chặt, những bài hát giữa đêm đông giá lạnh giúp tôi tin tưởng, mãn nguyện và bằng lòng... Đưa Internet về làng đã thành công khi kết nối-chia sẻ thông tin và tri thức đến thầy trò nơi đây. Các thầy cô chưa biết đến Internet, chưa biết tạo bảng tính Excel, chưa biết đến những ứng dụng của CNTT vào bài giảng. Những chia sẻ chân tình khi được các tình nguyện viên bên cạnh giúp đỡ đã làm tôi xúc động, gật đầu hài lòng và cười thật tươi... Chưa bao giờ tôi đến một nơi hiếu khách và nhiệt tình như Hữu Lũng... Hà Nội phồn hoa dường như không đủ để hiện thực hóa những ước mơ nhỏ bé của các em, của người dân nơi đây...nhưng chúng tôi luôn hy vọng rằng, bằng những tâm huyết của tuổi trẻ, bằng niềm tin vào tương lai, bằng những trăn trở dai dẳng theo tháng ngày, VNIF sẽ đồng hành và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của tôi, của các bạn và người dân còn đang khó khăn dọc mảnh đất hình chữ S này".
Với sứ mệnh “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”, Quỹ VNIF rất chú trọng trong việc phát triển giáo dục, bởi đó là một trong những nền tảng vững chắc giúp xã hội phát triển bền vững. Đây cũng là mục tiêu chính của Dự án “Đưa Internet về làng”.