TP.HCM: Lượng người đi chợ, siêu thị đã giảm hẳn, giá trứng một số nơi vẫn tăng
Tại TP.HCM, hiện lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện lợi giảm nhẹ, không còn tình trạng mua tập trung một số mặt hàng để tích trữ; một số tỉnh phía Nam, giá trứng vẫn tăng do bị thiếu hàng.
Tại các chợ truyền thống được phép mở bán, nguồn rau, củ, quả rất dồi dào. |
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sáng ngày 21/7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm nhẹ so với sáng ngày 20/7. Cơ cấu giỏ hàng cân đối giữa các mặt hàng, không còn tình trạng mua tập trung một số mặt hàng để tích trữ.
Tại các chợ truyền thống được mở bán, sức mua ổn định hơn so với những ngày trước. Còn ở các siêu thị, sức mua tăng 5% so với các ngày trước và tăng gần 25% so với ngày thường.
Lượng người vào mua sắm ở siêu thị Co.op Mart tại quận Bình Tân (TP.HCM) không còn đông như trước. |
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP, sức mua có tăng nhưng không biến động mạnh, người dân không còn tâm lý mua sắm để tích trữ mà chỉ mua vừa đủ để phục vụ nhu cầu hàng ngày. Hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định.
Hàng hóa tại siêu thị dồi dào, các hệ thống phân phối tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân. |
Theo đó, các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Tại chợ Bình Thới (quận 11, TP.HCM), các tiểu thương bán trứng cho biết, hiện giá trứng gà bán ra 38.000 đồng/chục, tăng 4.000-5.000 đồng so với vài ngày trước.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, do các chợ truyền thống vẫn đang tạm ngừng hoạt động, lượng người đến mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn còn đông nhưng sức mua đã giảm so với những ngày trước. Hàng hóa đa dạng, giá các loại lương thực, thực phẩm tại các siêu thị ổn định, không tăng (riêng các cửa hàng Bách Hóa Xanh giá cả có điều chỉnh tăng một số mặt hàng như thịt, trứng, rau củ...). Thị trường không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.
Tại tỉnh An Giang, trong ngày 21/7, nhìn chung tình hình mua bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định với sức mua không tăng so với ngày 20/7. Hiện tại một số nơi trên địa bàn áp dụng phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình, vì vậy lượng người tập trung tại chợ cũng rất hạn chế.
Tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang... nguồn cung hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. |
Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, các loại thực phẩm thiết yếu khác trong ngày nhìn chung có tăng nhẹ ở một số mặt hàng.
Quầy hàng thực phẩm tại 1 cửa hàng tiện lợi ở Long An. |
Tại một số địa phương phía Nam khác, tình hình nguồn cung hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Người đi mua hàng giảm do đã mua dự trữ trước đó và tâm lý lo ngại dịch bệnh. Một số địa phương phát phiếu đi chợ để hạn chế người dân ra đường.
Giá hàng rau củ quả, thịt, cá không tăng hoặc giảm nhẹ. Nhiều mặt hàng giảm giá so với những ngày trước. Các địa phương cùng lực lượng quản lý thị trường tang cường kiểm tra hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đối với mặt hàng trứng gà, trứng vịt, một số địa phương vẫn còn có nơi, có chỗ thiếu hàng, giá tăng.
PV
TP.HCM: Lượng hàng thiết yếu tăng gấp 3-5 lần, sức mua giảm nhiệt dần
Tại TP.HCM, lượng hàng hóa tại các hệ thống siêu thị như Mega Market, Sài Gòn SATRA, Saigon Co.op, Vinmart và Vinmart + được bổ sung tăng gấp 3-5 lần, giá cả ổn định, sức mua dần giảm nhiệt