TP.HCM: 851 nhân viên y tế hoạt động tại các phòng khám BSGĐ
Như vậy, sau 5 năm phát triển, đến nay TP.HCM đã từng bước xây dựng và phát triển được mô hình phòng khám bác sĩ gia đình khá thành công. Mới đây nhất, Sở Y tế TP.HCM đã khởi động chương trình đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình. Trạm Y tế phường 13 – Quận Bình Thạnh được Sở Y tế chọn là nơi đầu tiên trong 24 trạm điểm khởi động chương trình này. Mục tiêu của chương trình là không để bác sĩ của trạm y tế “Đơn lẻ một mình” trong công tác khám, chữa bệnh.
Chương trình này được sự đồng thuận cao của lãnh đạo các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa đầu ngành, của lãnh đạo các Trung tâm Y tế và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố. Chương trình cũng thể hiện quyết tâm của ngành y tế TP.HCM trong việc phát triển BSGĐ.
Được biết, thực hiện Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22/3/2013 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013-2020, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng Đề án BSGĐ tại TPHCM đến năm 2020 và đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6327/QĐ-UBND, ngày 30/11/2013.
Nguyên tắc hoạt động của phòng khám BSGĐ: Liên tục, toàn diện, phối hợp, hướng cộng đồng, hướng phòng bệnh và hướng gia đình. BSGĐ là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất.
Một buổi làm việc về BSGĐ của Sở Y tế TP.HCM. |
BSGĐ là những bác sĩ đa khoa, đã được học và tốt nghiệp chuyên khoa Y học gia đình, có trình độ tương đối toàn diện, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, đồng thời có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng và tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh. Ngoài ra, BSGĐ còn góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật bằng cách tư vấn, hướng dẫn cho người dân về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
Tại phòng khám BSGĐ, bệnh nhân sẽ được khám, tư vấn và điều trị, nếu cần thiết sẽ chuyển lên đúng tuyến (Các bệnh viện tuyến trên có chức năng và chuyên khoa sâu hơn). Sau đó, tuyến trên có nhiệm vụ phản hồi về cho BSGĐ để tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin của người bệnh. Mỗi bệnh nhân quản lý tại BSGĐ sẽ được theo dõi một cách toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khoẻ, bệnh tật.
Quy chế hoạt động của phòng khám BSGĐ tại TP.HCM bao gồm: Khám bệnh, chữa bệnh: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; Tham gia hệ thống chuyển tuyến: Là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; Tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị; Tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cuối đời.
Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu: Tham gia giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong cộng đồng dân cư; Tham gia các chương trình tiêm chủng, các chương trình y tế quốc gia; Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm; Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật; Có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.
Phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe; Tổ chức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu; Thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, vật lý trị liệu tại phòng khám; Hướng dẫn luyện tập sức khỏe, phục hồi chức năng cho cộng đồng để nâng cao sức khỏe.
Tư vấn sức khỏe: Tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân và cộng đồng; Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh, tật.
Quản lý sức khỏe cá thể: Lập hồ sơ sức khỏe khách hàng trên cơ sở theo nguyện vọng của người dân tự chọn cho mình bác sĩ; Tư vấn các vấn đề sức khỏe (phòng, chữa bệnh…); Khám, điều trị và theo dõi sức khỏe bệnh nhân.
Điều phối: Tư vấn bệnh nhân khi cần khám, điều trị chuyên khoa; Tóm tắt bệnh trạng, báo cáo y khoa giúp cho người bệnh được theo dõi liên tục khi chuyển cho bác sĩ chuyên khoa hay chuyển viện điều trị nội trú; Liên lạc với người bệnh và bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa để tiếp tục theo dõi điều trị sau khi có chỉ định điều trị chuyên khoa.
Đến này đã có hơn 20 bệnh viện quận huyện và trạm y tế đã triển khai hoạt động bác sĩ gia đình, như bệnh viện quận 2, Trạm y tế phường Cô Giang quận 1, bệnh viện quận 4, Trạm y tế phường Bình Trưng Tây quận 2, bệnh viện quận 5, trạm y tế phường Thảo Điền quận 2, bệnh viện quận 7, trạm y tế phường 4 quận 4, Bệnh viện quận 8, Trạm y tế phường 16 quận 4, bệnh viện quận 10, trạm y tế phường Tân Hưng quận 7, bệnh viện quận Gò Vấp, trạm y tế phường 9 quận 10, bệnh viện quận Phú Nhuận, trạm y tế phường 10 quận 10, bệnh viện quận Tân Phú, trạm y tế phường 6 quận Gò Vấp, bệnh viện quận Thủ Đức, trạm y tế phường 8 quận Gò Vấp…