TP.HCM: 100% trường học phải thực hiện bộ quy tắc ứng xử học đường năm học 2020-2021
Việc thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách; lối sống văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đặt ra yêu cầu trong giai đoạn 2020-2021 có 100% trường học xây dựng, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT ban hành, phù hợp với điều kiện và đặc trưng của mỗi nhà trường.
Hằng năm có ít nhất 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, học tập về văn hóa ứng xử trong trường học, gia đình và cộng đồng; có 95% cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên và người học, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Đội Thiếu niên được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; 95% cơ sở giáo dục thực hiện văn hóa và nếp sống văn minh trong trường học,… Trong giai đoạn 2022-2025, các chỉ tiêu nói trên đạt 100%.
Ảnh minh họa |
Cũng theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ứng xử, xây dựng và triển khai quy định văn hóa ứng xử trong trường học, các cơ sở giáo dục cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử, trong đó Đề án nhấn mạnh, đổi mới phương pháp dạy học các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Pháp luật,… theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, câu lạc bộ, cuộc thi, tọa đàm,…
Đồng thời, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tại hội thảo "Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học" do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc nghiện mạng xã hội là một trong những biểu hiện của "sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường", bên cạnh những hiện tượng khác như bạo lực học đường hay tiêu cực trong thi cử.
Để khắc phục, thay đổi tình trạng trên, vai trò của gia đình được nhấn mạnh là rất quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ, hướng dẫn, rèn luyện con em từ những hành động nhỏ; chú ý quan sát và lắng nghe mọi biểu hiện bất thường để kịp thời tư vấn và giúp đỡ. Tránh các động thái như mắng chửi hay bắt từ bỏ mạng xã hội bởi có nguy cơ phản tác dụng, khiến các em càng bất mãn, chống đối.
Cũng tại hội thảo, theo kết quả khảo sát ban đầu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mặc dù hầu hết các nhà trường đã triển khai việc xây dựng, thực hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, nhưng đa số các bộ quy tắc ứng xử được xây dựng chung chung, khó nhớ, khó khả thi.
Do đó tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không cần phải đóng khung, cứng nhắc, mà hoàn toàn có thể biến đổi theo những diễn biến của cuộc sống xã hội.
Chẳng hạn như việc học sinh sử dụng mạng xã hội là không thể cấm được, nhưng có thể dùng biện pháp mềm mỏng để điều chỉnh, định hướng. Cụ thể, một số trường học đã đầu tư các hoạt động ngoại khóa, mời chuyên gia nói chuyện và tư vấn, cho học sinh thảo luận, tọa đàm về văn hóa mạng xã hội, từ đó rút ra những bài học.
Hoặc tạo những fanpage có nội dung lành mạnh để các em tham gia, như tạp chí nội san trường học, câu lạc bộ học ngoại ngữ, diễn đàn phim ảnh, âm nhạc… thay vì các fanpage tiêu cực, kích động.
Trào lưu “nói là làm” cần phải được chuyển hóa và nhân rộng thành những hành động có ý nghĩa, vì lợi ích cộng đồng. Trên thực tế, đã có nhiều nhóm bạn trẻ thông qua mạng xã hội tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ người vô gia cư, trẻ em đường phố; lập hội nhóm tìm hiểu về lịch sử, văn học hay tuyên truyền về biển, đảo của Tổ quốc…
Bên cạnh vô số tiện ích của mạng xã hội, những hệ lụy do mặt trái của nó gây ra đã và đang là vấn đề nhức nhối. Tình trạng có phần nào đó xuống cấp của văn hóa học đường đòi hỏi sự quan tâm, phối hợp hành động của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Cao hơn nữa, là những căn cứ pháp lý để tạo nên môi trường tốt hơn trong trường học.
Hoàng Thanh