Tổng Bí thư Lê Duẩn: Con người của những quyết định lịch sử
Một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn
Thế hệ 8X (sinh năm 1980) trở về sau này thường biết đến Tổng bí thư Lê Duẩn qua sách báo, các thước phim tư liệu và đặc biệt là giọng đọc nghẹn ngào xúc động của ông khi đọc điếu văn trong Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1969.
Đánh giá về Tổng Bí thư Lê Duẩn, các nhà khoa học quân sự và giới sử gia đều đồng tình quan điểm, ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người đã dẫn dắt đất nước đi qua những giai đoạn phức tạp và khó khăn của lịch sử.

Theo giới sử học, trong các học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Tổng bí thư Lê Duẩn được coi là mộ trong những nhà kĩ trị giỏi, một con người thực tiễn và là một người cộng sản với những quyết sách chiến lược trong những bối cảnh lịch sử quyết định của cách mạng Việt Nam. Ông không chỉ là tấm gương sáng về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, mà còn là nhà lãnh đạo có ảnh hướng lớn đến Việt Nam trong và sau những năm tháng tại vị.
Điểm lại quá trình hoạt động cách mạng của ông dễ thấy, khi là thanh niên ông là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, hoạt động không mệt mỏi, in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước và một lòng kiên trung với dân, với Đảng. Nhìn lại những ngày tháng khó khăn tù đày, xiềng xích, trong những lúc sự nghiệp cách mạng Việt Nam đang còn trong trứng nước thì bản lĩnh vững vàng, ý chí cách mạng hiên ngang, sẵn sàng hy sinh thời đó của ông đáng để biết bao thế hệ thanh niên ngày nay phải học tập và ngả mũ kính trọng.
Nói về Tổng bí thư Lê Duẩn, các nhà sử học đánh giá ông là con người “cứng rắn, không nhân nhượng”. Trong một lần báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về đường lối đối ngoại, ông từng nói: “Chúng ta muốn thắng Mỹ thì nhất định không được sợ Mỹ, nhất định không sợ Trung Quốc, nhất định không được sợ Liên Xô…”.
Khi đã trở thành nhà lãnh đạo, Tổng bí thư Lê Duẩn được đánh giá là con người kiệt xuất của Đảng, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn. Lý luận cách mạng của ông được đúc rút từ thực tiễn nên không giáo điều, hình thức. Chính vì vậy gần 100 tác phẩm được ông chấp bút trong quá trình hoạt động cách mạng chính là kim chỉ nam hành động sắc bén như: Đề cương cách mạng miền Nam; Thư vào Nam; Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới...
Trí tuệ và nhân cách của Tổng bí thư Lê Duẩn có thể gói gọn trong câu nói, ông là “một nhà yêu nước lớn vừa là một chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ”. Do vậy, trong 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, vì lý tưởng cao đẹp: Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc…
Người con vĩ đại của mảnh đất Quảng Trị
Trong một lần trả lời báo giới, Tổng bí thư Lê Duẩn chia sẻ: “Hồi 15 tuổi, đọc lịch sử, tôi buồn lắm, nghĩ nhất định phải đi cứu nước”. Và rồi từ một người yêu nước, một đảng viên cộng sản, một lãnh đạo tối cao… ở bất cứ cương vị nào, ông đều gắn với các quyết định lịch sử không chỉ gắn với sinh mệnh chính trị cá nhân mà còn là vận mệnh của dân tộc.
Sinh thời Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nhận xét về Tổng bí thư Lê Duẩn: Ông là một nhà cách mạng thực tiễn xuất sắc và gắn với các quyết định lịch sử, nhất là sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, xung đột biên giới Tây Nam 1979 và xung đột biên giới phía Bắc năm 1979 đều là những sự kiện gắn liền với Tổng bí thư Lê Duẩn.
Trong khi đó, nói về tính cách cá nhân nhiều nhà sử học cùng quan điểm: Mảnh đất Quảng Trị - miền Trung đầy nắng gió và ân tình cũng tạo nên bản lĩnh của Tổng bí thư Lê Duẩn, một con người cứng rắn và không nhân nhượng với kẻ thù. Cũng chính vì lẽ đó suốt cả cuộc đời cách mạng, dù ở đâu hay giữ cương vị nào, đối với quê hương đất mẹ Quảng Trị, Tổng bí thư Lê Duẩn luôn dành nhiều tình cảm sâu nặng cho quê hương bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nam Phương