Toan tính của ông Putin khi rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Nga vừa gây “bàng hoàng” cho NATO khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở ngay trước thềm chuyển giao quyền lực ở Mỹ, động thái này được cho là gửi đi nhiều thông điệp.
Theo Sputnik Nga ngày 17/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc Nga rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST) không phải là để gửi một “tín hiệu” cho Chính phủ mới của Mỹ, mà là “cái kết” cho mối quan hệ với Chính phủ sắp hết hạn của Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Zakharova cho biết: "Đây là một quyết định của Chính phủ Mỹ sắp hết hiệu lực, vì vậy chúng tôi sẽ kết thúc vấn đề này trước khi Chính phủ này giải tán. Đây hoàn toàn không phải là một tín hiệu cho Chính phủ tiếp theo, mà là cái kết với Chính phủ hiện nay của Mỹ, điều này phù hợp với lô-gic”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Nguồn: Huanqiu. |
Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/1 thông báo, Nga đã khởi xướng các thủ tục rút khỏi OST. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước đã phá vỡ sự cân bằng lợi ích mà các quốc gia ký kết đạt được khi ký kết Hiệp ước, các đối tác ký kết của Moscow không ủng hộ đề xuất có liên quan của Nga về việc đảm bảo Hiệp ước có hiệu lực theo các điều kiện mới.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia tham gia ký kết, trong đó có Nga và Mỹ, được thực hiện các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, song Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm Hiệp ước này.
Tháng 11/2020, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước kiểm soát và xác minh vũ khí này, điều mà Moscow luôn bác bỏ.
Đức bày tỏ lấy làm tiếc, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và có những tác động rất cụ thể đối với an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng, lợi ích của Nga là duy trì đối thoại mang tính xây dựng về tương lai của Hiệp ước, trong khi tất cả các quốc gia ký kết hiệp ước gần đây đã đồng ý cân nhắc về các đề xuất khác nhau mà Nga đã đưa ra sau khi Mỹ rút.
Trước đó trong một bức thư chung gửi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tháng 12/2020, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cùng ngoại trưởng 15 nước châu Âu đã nhấn mạnh rằng, các nước châu Âu muốn tuân thủ và thực thi đầy đủ Hiệp ước.
Theo người phát ngôn, bất kể Nga quyết định ra sao, Đức sẽ vẫn kiên quyết ủng hộ tiếp tục và hiện đại hóa việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường ở châu Âu và vì châu Âu - một mục tiêu vì lợi ích của tất cả các nước nếu muốn ứng phó với những thách thức thời đại, đối với hòa bình và an ninh.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái trên của Nga được đưa ra chỉ vài ngày trước khi tân tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức. Lời giải thích chỉ có thể là phía Nga thể hiện phản ứng về một quyết sách mà người tiền nhiệm của ông Biden đưa ra nhưng lại nhằm để phát đi thông điệp gửi tới ông Biden.
Quyết định của Nga cũng cho thấy, ông Putin đã chính thức xác định mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ phức tạp hơn và ít khả năng được cải thiện dưới thời Chính quyền ông Joe Biden.
Động thái của Nga cũng ngầm gửi tín hiệu cho ông Biden biết là Nga đã sẵn sàng chuẩn bị cho mọi chiều hướng diễn biến của mối quan hệ song phương này trong thời kỳ mới ở Mỹ. Mối quan hệ song phương này xấu thêm đi thì quá trình kiểm soát vũ trang và giải trừ quân bị trên thế giới cũng không thể tiến triển và quan hệ giữa Nga với NATO và EU ở châu Âu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Những lời ‘chém gió kinh điển’ của ông Trump
Hôm 16/1, CNN đã tổng hợp danh sách 15 trường hợp “chém gió” của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trước công dân nước này trong thời gian cầm quyền.
Đức Trí (lược dịch)