Tỉnh táo trước cơn sốt 'thời trang bền vững'
Những năm gần đây, xu hướng thời trang bền vững được rất nhiều nhà thiết kế Việt ưa chuộng. Nhiều nhãn hàng đưa ra những "cam kết xanh", những lời quảng bá "100% thân thiện môi trường"... nhưng liệu là sự thật hay chỉ là quảng cáo?
Cơn sốt mang tên “thời trang bền vững”
Thời trang bền vững là một xu thế mới của làng mốt thế giới. Sau đại dịch Covid-19, thời trang bền vững được xem như một con đường tất yếu của ngành thời trang, nhằm giảm thiểu chi phí, giảm thiểu khí thải và hướng tới sự phát triển bền vững. Nhờ ảnh hưởng của mạng xã hội và truyền thông, thời trang bền vững được giới trẻ rất ưa chuộng với tâm niệm sẽ trở thành người có ích cho xã hội.
Earth Polo của Ralph Lauren (mỗi chiếc áo được làm từ khoảng 12 chai nhựa tái chế và chiếc áo cũng có thể tái chế). |
Trên thực tế tại Việt Nam, những thông điệp rõ ràng của thời trang bền vững mới chỉ bắt đầu được chia sẻ, đón nhận và quan tâm từ khoảng giữa năm 2016. Trong một xã hội đang văn minh hơn từng ngày, nhận thức về môi trường của giới trẻ ngày càng được nâng cao. Đây chính là động lực để các nhà thiết kế Việt theo đuổi xu hướng mới này.
Một chiếc váy được tạo ra từ những mảnh vải vụn của nhà thiết kế Trần Hùng. (Ảnh: NVCC) |
Tuy nhiên, câu chuyện vừa qua của một nhãn hàng thời trang bền vững sẽ khiến nhiều người tự hỏi: Chúng ta liệu có quá dễ dãi với từ “bền vững”?
Tranh cãi nổ ra khi một nhà thiết kế có tiếng chỉ trích hãng này đã “tẩy xanh”, hoạt động không đúng với danh "thương hiệu thời trang bền vững” mà bấy lâu nay quảng bá.
Cô cho rằng những chiếc áo phông với chất liệu vải gốc nhựa (polyester) của hãng này được bán với giá quá cao. Không những thế, phần lớn các sản phẩm họ bán ra dùng nguyên liệu mới vì số lượng các sản phẩm tái chế từ vải vụn quá ít ỏi. Cô kết luận rằng nhãn hiệu này có dấu hiệu “tẩy xanh” - lợi dụng tâm ý của khách hàng để trục lợi, phá hoại môi trường trên danh nghĩa “bảo vệ” nó.
Dù hãng đã lên tiếng đính chính và được đông đảo công chúng chấp nhận, câu chuyện vẫn đặt ra mối băn khoăn trong giới đam mê thời trang bền vững: Làm sao để khách hàng mua đúng nơi, chọn đúng sản phẩm yêu môi trường?
Người tiêu dùng bền vững chân chính
Để theo đuổi được xu hướng thời trang bền vững, người tiêu dùng phải chấp nhận sự đắt đỏ nên không phải ai cũng có thể kiên trì trên con đường này. Nếu đã quyết định chi tiền cho một sản phẩm xanh, người mua nên chủ động tìm hiểu và tự quyết định xem quy trình sản xuất của nhãn hàng đã “bền vững” hay chưa, tuy việc kiểm chứng này là khá khó khăn.
Thiết kế bắt mắt của NTK Lê Ngọc Hà Thu |
Chị Thu Hương, một tín đồ của xu hướng này chia sẻ: “Trách nhiệm của người tiêu dùng là chủ động tìm hiểu về sản phẩm mình muốn mua. Ví dụ nhãn hàng dùng chất liệu ra sao, gia công như thế nào, đường may mũi chỉ có cẩn thận không? Như thế sẽ hoàn toàn biết được sản phẩm đó có dùng được lâu hay không, có thân thiện với môi trường hay không”.
Hiện nay phần lớn thông tin mà người tiêu dùng biết được về quy trình sản xuất của nhãn hàng bền vững là qua quảng cáo của chính nhãn hàng đó. Điều này sẽ dễ dàng dẫn đến hành động “tẩy xanh” khi khách hàng không được biết về sản phẩm một cách khách quan. Vậy nên đã đến lúc ngành thời trang có một quy định hoặc điều kiện chung để kiểm duyệt và công nhận một nhãn hàng hay một sản phẩm là “sản phẩm xanh” giúp cho người tiêu dùng chi tiền một cách đúng đắn.
Quỳnh Anh