Tiết kiệm từ cái tủ lạnh
Tổ chức khoa học sẽ tiết kiệm được những chi phí điện, nước, nhất là thức ăn thừa nếu được bảo quản tốt sẽ chế biến thành món ngon khác.
Nhà tôi từ lâu đã có thói quen tiết kiệm mọi nguồn năng lượng điện, nước, lương thực…
Về thực phẩm, do nấu điện nên trước khi nấu tôi chuẩn bị sẵn hết các thứ: rau, thịt, cá, đậu… Đồ nêm cũng để sẵn trong tầm tay với. Đến khi bật bếp lên, thao tác nhanh, vừa đảm bảo không giảm chất lượng thực phẩm, vừa tiết kiệm điện.
Quan trọng nhất là cái tủ lạnh. Đó là cái tủ mà tôi xài kỹ nhất, nói với các con nhiều nhất. Do thực phẩm có thể được dự trữ khoảng trên dưới 10 ngày nên tôi phải biết tính toán sắp xếp sao cho hợp lý, rau không bị hư, sinh nấm mốc…
Những loại trái, củ như: khoai các loại, bí đỏ, cà rốt… tôi không cho vào tủ lạnh mà để trong rổ, rồi đặt ở nơi thoáng mát sạch sẽ trong nhà. Trái cây còn xanh tôi cũng bảo quản như vậy, đến khi chín mới cho vào tủ lạnh, mục đích nếu chưa ăn thì hãm độ chuyển chín của trái cây.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Trong tủ lạnh tôi sắp xếp theo nguyên tắc: đưa vào trước thì lấy ra trước. Ở ngăn tủ đông, tôi dùng các hộp nhựa hay thủy tinh đựng thực phẩm tươi sống như thịt cá. Tôi sơ chế sẵn và tính toán thực đơn trong tuần.
Hôm nay ăn thịt kho trứng thì tôi có hộp thịt đã xắt sẵn theo kiểu kho trứng, hôm sau ăn đậu que xào thì tôi xắt thịt theo kiểu xào, hôm sau nữa kho tiêu thì tôi có hộp thịt nạc xắt theo kiểu kho tiêu. Rã đông trước khi nấu khoảng 2 giờ.
Tôi sắp xếp ngăn mát theo kiểu hộp to dưới, hộp nhỏ trên. Và cũng theo nguyên tắc làm sạch rồi bảo quản lạnh. Ví dụ như hành lá để nêm, tôi rửa sạch để thật ráo nước rồi thái nhuyễn cho vào hộp.
Cách làm này, tôi bảo quản được 1 tuần, khi cần chỉ lấy ra dùng. Rau nấu canh tôi cũng rửa sạch, cho vào bao ni-lông, gần ăn lấy ra nấu, chuẩn bị trước cho hai ngày.
Một cách tiết kiệm điện, tránh cho tủ lạnh làm việc nhiều hơn là nên đậy tất cả thực phẩm, không cho hơi ẩm bốc ra.
Tủ lạnh không phải là nơi cất giữ thực phẩm lâu. Nhiều loại 4-5 ngày đã có thể hỏng. Do đó tôi tính toán thực phẩm sử dụng sao cho đủ dùng, không bỏ phí vì để lâu.
Khoảng 20 ngày, tôi vệ sinh tủ lạnh một lần. Tôi lấy hết các thứ ra và lau nhanh bằng nước sạch có pha chút giấm ăn. Lau khô ráo tủ, tôi mới cất đồ vào, cảm giác tủ lạnh được khử mùi hôi và mọi thứ tươi mới.
Trước khi chế biến thức ăn, tôi lấy trong tủ lạnh ra tất cả nguyên liệu như một dạng xuất kho. Tôi giải thích với con rằng, ở những nhà máy sản xuất họ luôn có quy trình này đầu ngày. Trưởng bộ phận sản xuất dựa vào kế hoạch sản xuất trong ngày rồi lên bảng đề nghị xuất kho.
Người công nhân nhận nguyên liệu từ kho và đưa về bộ phận sản xuất. Cách thức tổ chức hợp lý là phải thực hiện sao cho kho không bị ứ đông các đơn hàng.
Ở phạm vi gia đình, tổ chức khoa học sẽ tiết kiệm được những chi phí điện, nước, nhất là thức ăn thừa nếu được bảo quản tốt sẽ chế biến thành món ngon khác.
Chi tiêu hợp lý và tiết kiệm sẽ tích lũy được cả khoản tiền mà khi cần có thể chia sẻ với người ngặt nghèo. Tôi luôn trả tiền cho các bạn giao hàng cao hơn số tiền quy định. Nếu trong nhà có bánh chưng, hay bánh gì ăn liền, tôi sẽ tặng bạn ấy một, hai cái.
Khi có việc giúp nhau lúc khó khăn, chúng ta đừng nên ngại ngần. Của ít lòng nhiều, trong khả năng cho phép, người nhận vui mà người tặng còn vui hơn.
Kim Duy
Cô vợ 9X chia sẻ cách bảo quản thực phẩm "đỉnh của chóp" cả tuần vẫn tươi ngon
Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều gia đình chọn cách mua thực phẩm thiết yếu với số lượng nhiều một lần để hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, làm cách nào để bảo quản những thực phẩm này tươi lâu?
Theo www.phunuonline.com.vn