Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hộicủa Chính phủ là đúng đắn |
Thực tế có thể thấy, kể từ khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP đến nay, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và cả năm 2011 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự báo đạt và vượt kế hoạch. Lạm phát được kiềm chế và giảm dần theo từng tháng, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 là 0,93%, thấp nhất kể từ đầu năm; kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với chỉ tiêu kế hoạch, nhập siêu giảm mạnh; thu ngân sách đạt khá, bội chi ngân sách giảm; thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng.
Tăng trưởng GDP năm 2011 dự kiến đạt khoảng 6%; sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng cao. Tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, được mùa, được giá. Dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh. An sinh xã hội được quan tâm, các chính sách xã hội tiếp tục được triển khai tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống nhân dân….
Những kết quả trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hộicủa Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và đang phát huy tác dụng tích cực.
Kiên định mục tiêu này, mới đây, tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, Chính phủ kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11/NQ- CP trong thời gian tới, đặc biệt là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó kiểm soát lạm phát năm 2011 khoảng 18% và năm 2012 đưa xuống dưới 1 con số, duy trì tăng trưởng ở mức 6%. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung vào sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo mọi điều kiện xuất khẩu, đồng thời quan tâm đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân…
Đặc biệt, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2011 vừa qua, lại một lần nữa Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 02/NQ-CP, nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường; giảm dần lãi suất tín dụng cùng với xu hướng giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng dưới 20% hướng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm đồng thời các mục tiêu kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6%.
Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thắt chặt kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước... Đặc biệt,phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả, thị trường, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, đặc biệt chú ý chỉ đạo việc cân đối và điều hành giá xăng dầu phù hợp với quy định hiện hành; khẩn trương triển khai việc miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; chú trọng kiểm soát, bảo đảm an ninh lương thực và tăng xuất khẩu nông sản, cải thiện thu nhập và đời sống cho nông dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, chú trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Theo đó, định hướng một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2012 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%; nhập siêu, bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với chỉ tiêu đạt được năm 2011; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; phấn đấu đạt tỷ lệ giảm nghèo 2%, tập trung vào các huyện nghèo…
Mong rằng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân, kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo sự đồng thuận và thống nhất ý chí, hành động trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Theo cpv.org.vn