Tiềm năng biển, đảo của Hải Phòng
Chi cục Biển và Hải đảo Hải Phòng tiến hành lặn kiểm tra việc phục hồi san hô tại quần đảo Cát Bà. (Ảnh chụp 7/12/2018) |
Hải Phòng là thành phố ven biển trực thuộc trung ương, nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 102km. Diện tích tự nhiên của thành phố là 1.512,4km2.
Vùng ven biển và các đảo của Hải Phòng có tổng diện tích 1.080,9km2 và tổng dân số là 1.074.600 người. Hải Phòng có 6 quận/huyện tiếp giáp với biển là: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên và 2 huyện đảo: Cát Hải và Bạch Long Vỹ.
Vùng biển Hải Phòng có diện tích khoảng 4.000km2, gấp 2,6 lần diện tích đất liền của thành phố, có hơn 400 đảo, trong đó tập trung ở quần đảo Cát Bà là 388 đảo.
Đảo Cát Bà với diện tích 334,1 km2 là một trong ba đảo lớn nhất nước ta là là đảo đá vôi lớn duy nhất, trên các đảo có hệ sinh thái rừng nhiệt đới còn giữ được tính da dạng sinh học cao.
Quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu có cảnh quan độc đáo, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên rất cao và chứa đứng các giá trị toàn cầu mà đến nay chưa được khai thác, sử dụng tương xứng với tiềm năng.
Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ, có diện tích đất tự nhiên không lớn (3,2 km2 khi triều kiệt), nhưng có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên biển và quốc phòng - an ninh.
Trong vùng biển Hải Phòng có hai ngư trường quan trọng và nổi tiếng là Bạch Long Vĩ và Cát Bà - Long Châu.
Các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô có chất lượng khá tốt phân bố ở ven bờ Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ; Rừng ngậm mặn và thảm rong tảo - cỏ biển phân bổ ở vùng triều, trên các bãi bồi cửa sông, ven biển, ven đảo.
Ven biển, ven đảo Hải Phòng có nhiều bãi tắm đẹp, dốc trung bình 2-3 độ, nền cát mịn, không có các ổ xoáy, độ mặn nước biển thường không vượt quá 30%0, độ cao sóng trung bình 0,5 - 1m, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển và giải trí.
Các bãi tắm lớn, nổi tiếng ở Đồ Sơn, Cát Bà và khoảng trên 50 bãi cát nhỏ cấu tạo bằng vụn san hô, trắng mịn trong các vũng, vụng độ mặn cao, trong suốt tới đáy, tĩnh lặng ở Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ.
Đặc biệt, các tùng, áng (Một loại hồ nước mặn trong vùng đảo đá vôi) là các sinh cảnh rất độc đáo của quần đảo đá vôi Cát Bà - Long Châu và ở vịnh Lan Hạ, nơi có thể làm thành các “Ao tự nhiên” để nuôi các loài sinh vật cảnh phụ vụ du lịch biển, đảo.
Hải Phòng nằm ở nút giao của hai hành lang và một vành đai kinh tế hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Trung Quốc, nên thuận lợi trong hội nhập và hợp tác kinh tế thế giới, đặc biệt với các nước khu vực Đông Á. Hải Phòng có đủ các loại hình giao thông cơ bản: Đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không và đường sắt.
Ven biển Hải Phòng có gần 40 doanh nghiệp hoạt động cảng biển với tổng chiều dài cầu cảng trên 10.000m, trong đó có 3 cảng có khả năng tiếp nhận tàu từ 10.000 DWT, 8 cảng có khả năng tiếp nhận tàu từ 5.000-7.000 DWT, các cảng còn lại tiếp nhận dưới 5.000 DWT.
Ngoài ra, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đang được xây dựng, có 01 cầu cảng hoàn thành và đón tầu container chuyên chở lên đến 4.000TEU (Tương đương tàu trọng tải 50.000 tấn) vào làm hàng.
Từ những lợi thế của biển đảo để phát triển kinh tế, thành phố Hải Phòng đã, đang và sẽ triển khai nhiều công trình lớn để xây dựng cở sở hạ tầng và đầu tư phát triển như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, cầu Tân Vũ - Cát Hải, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng và Quảng Ninh, đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Thanh Hóa, khu du lịch đảo Vũ Yên, khu đô thị hành chính Bắc Sông Cấm, khu đô thị Xi măng, khu đô thị du lịch đảo Cát Bà, khu nghỉ dưỡng cao cấp Đảo Dấu, đồi Rồng, FLC, Khu công nghiệp: VSIP, Đình Vũ - Cát Hải, Tràng Duệ,...
Trong tương lai không xa, thành phố Hải Phòng sẽ trở thành một thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; Là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của miền Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.