Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc Covid-19, người dân đừng chủ quan
'Khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống vi rút ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc Covid-19, người dân không được chủ quan (ảnh minh hoạ) |
Người thử nghiệm vắc xin Việt, đã có kháng thể, có được cấp thẻ xanh COVID?
Hiện nay có hàng nghìn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tiêm vắc xin do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất, nhiều người trong đó hỏi về việc liệu họ có được cấp thẻ xanh COVID?
Sở Y tế Hà Nội ngày 22/9 công bố 2 ca dương tính sống cùng nhà tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, trong đó 1 bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 và người còn lại vừa tiêm mũi 1 ngày 14/9.
Đây không phải là những trường hợp đầu tiên đã tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vắc xin vẫn dương tính với SARS- CoV-2. Bởi theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, trên địa bàn thành phố có 311 trường hợp đã tiêm mũi 1 và 73 trường hợp tiêm cả 2 mũi vẫn dương tính.
Trao đổi thêm với phóng viên về tình huống này, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam chưa đạt tỷ lệ tiêm bao phủ 70% dân số, chưa có miễn dịch cộng đồng, vì thế người đã tiêm đủ liều vẫn có thể bị nhiễm (không triệu chứng hoặc nhẹ) chứ không thể không mắc bệnh. Khi đó họ vẫn là nguồn lây cho người khác.
“Người được tiêm vắc xin mà nhiễm SARS-CoV-2 đi tới vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể lây lan cho người chưa tiêm vắc xin và gây bùng phát dịch.
Vắc xin giúp hạn chế tối đa khả năng chuyển nặng khi nhiễm bệnh, còn khi người dân vừa được tiêm vắc xin thì cơ thể không thể có kháng thể chống vi rút ngay được. Bản thân họ vẫn có thể nhiễm bệnh.
Có những nghiên cứu cho rằng có những trường hợp khi nhiễm, nồng độ vi rút ở hầu họng của người tiêm và chưa tiêm giống nhau. Do đó, người tiêm khi nhiễm sẽ truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là truyền bệnh cho trẻ em, người già, người có bệnh nền, đối tượng chưa được tiêm vắc xin. Bởi vì với người già, người có bệnh nền khi nhiễm vi rút dễ chuyển nặng và tử vong", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu lo ngại nhiều người chủ quan vì đã có 1-2 lần xét nghiệm âm tính, thậm chí nghĩ mình đã tiêm một mũi vắc xin thì không thể nhiễm bệnh.
Ông cho rằng đó thực sự “là sai lầm”. Bởi tiêm xong mũi một miễn dịch kém, đủ hai mũi mới đủ miễn dịch, nhưng miễn dịch này chỉ giúp giảm sự lây nhiễm chứ không bảo đảm 100% không lây nhiễm.
"Việc thực hiện 5K vẫn đã, đang và sẽ là biện pháp cần phải duy trì thì mới bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch. Nếu người dân chủ quan, vẫn ra đường, tụ tập nơi đông người khi không có việc thực sự cần thiết rất có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng. Để dịch bùng lại thì chúng ta phải giãn cách lại từ đầu", PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn từng trả lời Infonet, cần xác định tiêm hai mũi vắc xin là giúp bản thân người đã tiêm nếu chẳng may nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì có thể có triệu chứng nhẹ, ít bị nặng.
"Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 là thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Tuy nhiên, người đã tiêm hai mũi vẫn có thể nhiễm SARS-CoV-2 và vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm không đồng nghĩa là họ được tự do đi lại, không thực hiện các khuyến cáo về phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, ngay cả những người đã tiêm hai mũi vắc xin vẫn cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang xác định sống chung với Covid- 19, nghĩa là chấp nhận các ca nhiễm mới, không thể có khái niệm "Zero Covid" thì ý thức phòng dịch của người dân vẫn được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. Việc thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Người béo phì cần làm gì trong đại dịch Covid-19?
Trong đại dịch Covid-19, béo phì được xem là 'kẻ thù giết người thầm lặng' vì những người béo phì thường gặp biến chứng nặng nếu nhiễm Covid-19.
Bệnh nhân Covid-19 nặng, từng có lúc buông xuôi hồi phục ngoạn mục
'Nhà em nghèo lắm, em xin phép không tiếp tục điều trị nữa', là những dòng chữ ám ảnh các y bác sĩ trong ICU Bệnh viện Bạch Mai (TP. HCM)
N. Huyền