Đi chợ sau giãn cách, đã tiêm vắc xin vẫn phải tự bảo vệ sức khoẻ cá nhân
Đối với việc người dân đi chợ, đi siêu thị hay các cửa hàng ăn uống, ông Nga khuyến cáo cần tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách thực hiện nghiêm 5K mà Bộ Y tế đã đưa ra.
Dù đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin nhưng người dân đi chợ vẫn cần phải tuân thủ biện pháp 5K để phòng dịch Covid-19. |
Từ 6h sáng hôm nay (21/9), Hà Nội chính thức chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15 sau 4 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với một loạt dịch vụ được mở cửa trở lại.
Trong đó, nhiều người vẫn lo ngại việc đi chợ, đi siêu thị sao cho an toàn khi ở đợt dịch vừa qua, nhiều chợ, siêu thị buộc phải đóng cửa vì có ca lây nhiễm vi rút SARS- CoV-2.
Trước băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi cá nhân.
Bởi nguyên tắc bảo vệ cá nhân là tốt nhất. Khi Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dỡ bỏ việc thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn thành phố trong khi chưa tiêm đủ hết mũi 2.
Trong bối cảnh đó, ông Nga cho rằng “sự cẩn trọng của từng cá nhân là quan trọng vì chúng ta có thể tự phòng được lây nhiễm. Người nào phải tự bảo vệ người ấy”.
Theo đó, mỗi cá nhân nên tự lắng nghe cơ thể, nếu thấy mình có những biểu hiện khác thường trong sức khỏe thì đến bệnh viện khám, xét nghiệm ngay khi có biểu hiện ho, sổ mũi, có triệu chứng cúm…
Đồng thời khi có triệu chứng thì bản thân phải cách ly với người khác. Khi nghi ngờ mình có triệu chứng thì ngay cả khi đã tiêm rồi cũng nên cách ly, giữ khoảng cách ngay tại nơi làm việc cũng như trong gia đình.
Đối với việc đi chợ, đi siêu thị hay các cửa hàng ăn uống, ông Nga khuyến cáo cần “tự bảo vệ sức khỏe của mình”.
“Vì siêu thị, nơi tập trung ăn uống nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tuy hiện nay tỉ lệ tiêm đã cao rồi nhưng còn bao nhiêu trẻ em chưa tiêm, nhiều người dân chưa tiêm nên khi đi vào siêu thị, nơi đông người có thể bị nhiễm. Hoặc đau ốm vào bệnh viện có thể bị nhiễm nhưng không có triệu chứng, nhưng về lại lây cho trẻ nhỏ trong gia đình”, ông Nga nhấn mạnh.
Ngoài ra các chuyên gia cũng nhấn mạnh, người dân nên bỏ thói quen đi chợ mỗi ngày, thay vào đó nên duy trì việc mua nhiều thực phẩm cho một lần đi chợ, đi siêu thị như thời điểm thực hiễn giãn cách xã hội.
Đặc biệt, khi ra ngoài, không nên vì nghĩ đã tiêm phòng mà chủ quan, vẫn cần phải tuân thủ tuyệt đối biện pháp phòng bệnh 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người).
Hà Nội nới lỏng giãn cách: Chuyên gia chỉ cách phòng dịch khi đi làm
Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách, theo đó không kiểm soát việc đi lại của người dân, nhiều người bắt đầu công việc, đi làm sau 2 tháng thực hiện Chỉ thị 16.
Trước đó, ngày 18/9, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đầu mối.
Theo đó, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đầu mối, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hàng tuần.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (chiều vào, chiều ra khác nhau); Tạo mã QR điểm kiểm dịch tại cửa vào chợ, cung cấp đầy đủ khẩu trang và yêu cầu người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng phải khai báo y tế qua quét mã QR điểm kiểm dịch hoặc trên ứng dụng VHD hoặc khai trên giấy hàng ngày khi vào chợ, thực hiện Thông điệp 5K... Có biện pháp kiểm soát mật độ người vào chợ đảm bảo qui định phòng, chống dịch, giữ khoảng cách an toàn theo quy định.
Phát loa trong thời gian họp chợ để nhắc nhở khách hàng, hộ kinh doanh thường xuyên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 (thực hiện Thông điệp 5K)…
Tại các cửa hàng, gian hàng: Thực hiện giãn cách giữa các hộ kinh doanh, gian bán hàng, cửa hàng phù hợp tình hình thực tế tại chợ để bảo đảm khoảng cách an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tốt nhất bố trí vách ngăn giữa các hộ kinh doanh, gian bán hàng, cửa hàng; giảm ít nhất 50% số người làm việc đối với gian hàng có trên 10 người làm việc, bán hàng hoặc theo qui định của chính quyền địa phương.
Kẻ vạch giãn cách giữa khách hàng với người bán hàng và giữa các khách hàng theo quy định; Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; Bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay... Thực hiện vệ sinh khử khuẩn.
Yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; Khi phát hiện người có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở tại chợ, thực hiện xử trí.
Ngoài ra văn bản cũng yêu cầu các hộ kinh doanh nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách khi chờ mua hàng.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ khách hàng, người lao động/làm việc không đến chợ nếu có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Người lao động/làm việc, người bán hàng thực hiện khai báo y tế hàng ngày khi đến chợ để làm việc. Khách hàng thực hiện khai báo y tế khi đến chợ mua hàng. Luôn thực hiện Thông điệp 5K.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam 'hiến kế' phòng chống dịch hiệu quả
Tiến sĩ Kidong Park cho rằng vắc xin có thể bảo vệ con người khỏi bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, vắc xin không thể và không nên là yếu tố duy nhất được xem xét để nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Bà bầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 bị sốt có nguy hiểm, cần làm gì nếu sốt trên 38 độ C?
"Bà bầu không nên uống nước lá tía tô sau tiêm vắc xin Covid-19 nếu như chưa có hướng dẫn của bác sĩ đông y", Bác sĩ sản khoa Tú Anh khuyến cáo.
N. Huyền